Đòi tiền do bị chủ hụi giật luôn là vấn đề được rất nhiều người chơi hụi quan tâm, đặc biệt khi rơi vào trường hợp chủ hụi bỏ trốn. Phải làm gì để có thể đòi lại tiền, bảo vệ quyền lợi của người chơi hụi. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về điều này.
Quy định của pháp luật liên quan đến việc chơi hụi
Hụi còn được gọi là họ, biêu, phường. Bản chất ban đầu của hụi vốn dĩ là hoạt động góp vốn của một nhóm người cho một người có uy tín ở địa phương, nhằm tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Hiện nay, hụi đã được định nghĩa tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, họ có thể thỏa thuận với nhau về:
- Số người chơi;
- Thời gian chơi;
- Số tiền chơi;
- Loại tài sản góp;
- Thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Hiện nay, chơi hụi tồn tại khá nhiều rủi ro, dần biến tướng thành một hình thức huy động vốn với lãi suất cao. Do đó, việc chủ hụi bỏ trốn, chủ hụi giật tiền ngày càng phổ biến.
Do đó, Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định rất chặt chẽ về vấn đề chơi hụi, nhằm hạn chế rủi ro, bảo vệ người chơi hụi và chủ hụi. Cụ thể:
- Nguyên tắc tổ chức hụi;
- Điều kiện làm thành viên, chủ hụi;
- Gia nhập, rút khỏi hụi;
- Văn bản thỏa thuận về hụi;
- Thứ tự lĩnh hụi, lãi suất;
- Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi.
Phải làm gì khi bị giật hụi?
Trách nhiệm của chủ hụi khi không trả đủ tiền khi đến kỳ mở hụi
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 19/2019/NĐ-CP, trường hợp đến kỳ mở hụi mà chủ hụi không giao các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi thì chủ hụi có trách nhiệm:
- Giao các phần hụi cho thành viên lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi.
- Nộp thay phần hụi của thành viên nếu đến kỳ mở hụi mà có thành viên không góp phần hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trả lãi đối với số tiền chậm giao cho thành viên được lĩnh hụi theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Nghị định này.
- Chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây hụi có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật dân sự.
- Bồi thường thiệt hại (nếu có).
Khi có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người chơi hụi có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho “vay tiền” lãi nặng, LỪA ĐẢO chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật.
Thủ tục khởi kiện đòi tiền hụi
Sau khi thương lượng, hòa giải không thành, người chơi hụi có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để đòi lại tiền do bị chủ hụi giật theo trình tự sau:
- Người khởi kiện gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án.
- Tòa án có trách nhiệm cấp ngay cho người khởi kiện giấy xác nhận đã nhận đơn.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ĐƠN KHỞI KIỆN, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện có đủ điều kiện thụ lý hay không. Đồng thời, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện để người khởi kiện đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.
- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
- Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án và giải quyết vụ án theo đúng trình tự pháp luật.
Dấu hiệu pháp lý cấu thành đối với hành vi giật hụi
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017) khi đáp ứng 02 điều kiện:
Thứ nhất, thực hiện một trong các hành vi sau:
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Thứ hai, giá trị tài sản chiếm đoạt thuộc các trường hợp:
- Từ 4.000.000 đồng trở lên;
- Dưới 4.000.000 đồng nhưng có nhân thân xấu (từng phạm tội về tài sản, chưa được xóa án tích);
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Xử lý trách nhiệm hình sự
Tranh chấp về hụi thông thường được giải quyết theo pháp luật về dân sự, tuy nhiên, trường hợp chủ hụi có hành vi, thủ đoạn gian dối, bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản thì có thể cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, hành vi giật tiền của chủ hụi hoàn toàn có thể phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp thỏa mãn các điều kiện cấu thành tội này, người chơi hụi có quyền làm Đơn tố cáo chủ hụi đến cơ quan công an để giải quyết.
Khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chủ hụi có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc “phạt tù” từ 06 tháng đến 03 năm, thậm chí bị phạt tù nhiều hơn nếu có tình tiết tăng nặng hoặc giá trị tài sản quá lớn.
Nếu Quý bạn đọc có thắc mắc về vấn đề trên hoặc muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Tư vấn thủ tục khởi kiện đòi tiền do bị chủ hụi giật
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Hà Ngọc Tuyền
March 02, 2020 at 10:00AM
0 comments
Đăng nhận xét