Cha mẹ mất không để lại di chúc thì đất đai được phân chia như thế nào ?

No Comments

Phân chia đất đai khi cha mẹ mất không để lại di chúc là quyền lợi của mỗi người thừa kế. Đất đai là tài sản rất có giá trị nên phân chia thừa kế để đảm bảo quyền lợi của tất cả các người thừa kế khi người để lại di sản không có di chúc trở thành một vấn đề khá rắc rối. Bên cạnh đó, đất đai cũng là một loại tài sản rất đặc thù vậy làm thế nào để phân chia thừa kế với tài sản là đất đai. Bài viết của chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

luat thua ke dat dai khong di chuc
Đất đai cũng được xem là di sản thừa kế

Quy định chung về chia di sản thừa kế không có di chúc

Khi cha mẹ mất không để lại di chúc thì chia thừa kế như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp người để thừa kế không để lại di chúc để chia thừa kế thì di sản để thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật liên quan đến thừa kế.

THỪA KẾ theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Người thừa kế theo luật định

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế ở hàng sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Di sản thừa kế bao gồm những gì ?

Di sản để lại thừa kế gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Do đó, có thể hiểu di sản bao gồm tất cả những vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản (động sản và bất động sản) mà người để lại thừa kế sở hữu.

Đất đai là bất động sản nhưng không thuộc sở hữu của các chủ thể khác Nhà nước nên đất đai không thể là di sản. Tuy nhiên, cá nhân có thể là người có quyền sử dụng đất hợp pháp nên quyền sử dụng đất có thể là di sản thừa kế.

Di sản thừa kế là đất đai thì phân chia như thế nào ?

dat dai la di san thua ke
Việc phân chia thừa kế đất đai phải tuân theo quy định của pháp luật

Về cơ bản, khi chia thừa kế theo pháp luật, những người thừa kế trong cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản như nhau. Việc phân chia quyền sử dụng đất cũng như vậy: dựa trên số người được nhận di sản thừa kế để phân chia quyền sử dụng đất thành các phần bằng nhau.

Thủ tục thừa kế không có di chúc được thực hiện tại văn phòng công chứng nơi có đất đai để lại theo quy định tại Điều 57 Luật công chứng 2014.

Để tiến hành thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế, giấy tờ cần có trong hồ sơ gồm:

  • Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế giữa những người đồng thừa kế;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ),quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất;
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản;
  • CMND hoặc hộ chiếu, hộ khẩu của người những người được thừa kế;
  • Giấy tờ chứng minh mối quan hệ của những người được thừa kế theo pháp luật với người chết (giấy khai sinh, đăng ký kết hôn…).

Đất đai được để lại thừa kế trong trường hợp nào ?

Điều kiện để người sử dụng đất được thực hiện quyền để lại thừa kế đối với di sản là quyền sử dụng đất theo Điều 188 Luật Đất đai 2013:

  • Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013;
  • Đất không có tranh chấp;
  • “Quyền sử dụng đất” không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Trong thời hạn sử dụng đất.

Điều kiện được nhận thừa kế của người thừa kế

Đối tượng được nhận thừa kế là quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013:

  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận thừa kế quyền sử dụng đất;
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận thừa kế là quyền sử dụng đất;
  • Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài không được nhận thừa kế là quyền sử dụng đất.

Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai 2013 thì:

  • Người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.

Khởi kiện liên quan đến di sản thừa kế là đất đai

khoi kien phan chia di san dat dai khong di chuc
Tìm đến Tòa án yêu cầu hỗ trợ là một biện pháp giải quyết tranh chấp hữu hiệu

Trên thực tế, việc phân chia thừa kế liên quan đến đất đai thường không phải lúc nào cũng đáp ứng nhu cầu của người nhận thừa kế và dễ phát sinh tranh chấp:

  • Tranh chấp liên quan đến phân chia phần thừa kế dựa theo công lao chăm sóc, tiền cấp dưỡng,…;
  • Tranh chấp về thừa kế của người Việt Nam ở nước ngoài: có được nhận thừa kế không, không được hưởng phần di sản là quyền sử dụng đất mong muốn,…

Các bên có thể tiến hành tự hòa giải với nhau về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Nếu không thể tự hòa giải, các bên tiến hành nộp đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải trong vòng 45 ngày.

Đối với tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, hòa giải không phải là điều kiện bắt buộc để khởi kiện giải quyết vụ án theo Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP nên các bên có thể không cần thực hiện hòa giải tranh chấp mà trực tiếp khởi kiện tranh chấp ra Tòa nếu cảm thấy việc hòa giải không mang lại kết quả mong muốn.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

  • Trường hợp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Điều 100 Luật Đất Đai 2013: Tòa án nhân dân giải quyết.
  • Trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban cấp huyện đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hay Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu một bên trong tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đây là bài viết hướng dẫn về pháp luật thừa kế của chúng tôi. Quý bạn đọc có thắc mắc, rắc rối hoặc có nhu cầu tư vấn pháp luật về tranh chấp thừa kế, đất đai miễn phí vui lòng liên hệ qua hotline của Công ty Luật Long Phan PMT để được hỗ trợ. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Cha mẹ mất không để lại di chúc thì đất đai được phân chia như thế nào ?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng



March 20, 2020 at 01:00PM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps