Hiện nay, các tranh chấp hủy bỏ di chúc ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt đối với phần di sản có giá trị lớn. Di chúc là một phương thức thể hiện ý chí của người để lại di sản định đoạt di sản khi họ chết. Vì di chúc là một hành vi pháp lý đơn phương nên việc xác định một bản di chúc có đáp ứng các điều kiện luật định không hề dễ dàng.
1. Di chúc là gì? Ý nghĩa pháp lý của di chúc
Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 “di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết“.
Như vậy, di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của người lập nhằm định đoạt tài sản của họ sau khi chết. Hiện nay, có 02 loại di chúc:
- Di chúc bằng văn bản;
- Di chúc miệng.
Về nguyên tắc, di chúc phải được thể hiện bẳng văn bản, tuy nhiên, trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015, “di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế“.
Ngay cả khi di chúc đã đáp ứng các điều kiện luật định nhưng trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp di chúc không thể thực hiện được và di chúc khi đó không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Cụ thể:
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
- Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
- Di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
2. Điều kiện có hiệu lực của di chúc
Theo Khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
- Hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Ngoài những điều kiện chung trên, đối với từng trường hợp sẽ có quy định bắt buộc riêng để đảm bảo hiệu lực của di chúc.
- Đối với di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
- Đối với di chúc miệng được coi là hợp pháp khi người để lại di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyềnchứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Về hình thức, thông thường di chúc không bắt buộc phải có người làm chứng hay công chứng, chứng thực.
Lưu ý:
- Đối với trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng.
- Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng;
- Những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
- Người làm chứng khi lập di chúc phải đáp ứng Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015.
3. Di chúc bị hủy bỏ khi nào?
Hủy bỏ di chúc là việc người để lại di chúc, thông qua hành vi pháp lý hợp pháp để tuyên bố hủy hoặc không công nhận tất cả các di chúc do mình đã lập trước đó.
Việc hủy bỏ di chúc là làm tiêu hủy hiệu lực pháp lý của di chúc trước nhưng không bao hàm cả việc đưa ra một di chúc mới.
Các trường hợp di chúc bị hủy bỏ:
- Đặc thù đối với di chúc miệng thì sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
- Các di chúc được lập bằng văn bản, người lập di chúc có quyền hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
- Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Ngoài chủ thể lập di chúc, không ai đương nhiên có quyền hủy bỏ di chúc.
Trường hợp, sau khi người lập di chúc chết, các bên có căn cứ cho rằng di chúc không hợp pháp vẫn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Tranh chấp yêu cầu hủy bỏ di chúc không đồng nghĩa với yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên vô hiệu đối với di chúc đó.
Như đã phân tích ở trên thì tuyên bố di chúc vô hiệu khác với việc hủy bỏ di chúc mặc dù cả hai thuật ngữ đều nhằm chấm dứt sự điều chỉnh của nội dung di chúc đối với phần di sản thừa kế. Di chúc vô hiệu do 02 nguyên nhân chính:
- Việc lập di chúc trái pháp luật.
- Việc áp dụng di chúc không còn phù hợp với thực tế.
4. Thủ tục giải quyết tranh chấp
Vì di chúc là một giao dịch dân sự nên tranh chấp hủy bỏ di chúc được xem xét là tranh chấp về giao dịch dân sự. Do đó, căn cứ Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Thủ tục giải quyết tranh chấp hủy bỏ di chúc như sau:
- Nếu phát hiện di chúc hiện đang áp dụng cho việc phân chia di sản thừa kế vô hiệu ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp thì được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Sau khi xem xét đơn khởi kiện, nếu đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán sẽ gửi người khởi kiện thông báo đóng tạm ứng án phí giải quyết vụ án. Khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán thụ lý vụ án.
- Tòa án tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án;
- Xét xử phúc thẩm (nếu có kháng cáo, kháng nghị).
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về hướng dẫn cách giải quyết tranh chấp hủy bỏ di chúc. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý bạn đọc muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Hướng dẫn giải quyết tranh chấp hủy bỏ di chúc
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng
March 14, 2020 at 01:00PM
0 comments
Đăng nhận xét