Cách thu hồi công nợ khi đối tác bị vỡ nợ

No Comments

Cách thu hồi công nợ khi đối tác vỡ nợ là một vấn đề đặt ra trong quá trình quản lý công nợ, có vai trò quan trọng đối với sự thành bại của doanh nghiệp. Nếu không kiểm soát tốt công nợ thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc điều phối nền kinh tế cũng như đình trệ hoạt động của doanh nghiệp. Vấn đề này sẽ được giải quyết trong bài viết dưới đây.

cach thuc thu hoi cong no cua doi tac
Thu hồi nợ là một quá trình khó khăn và không phải ai cũng có thể đảm nhận và hoàn thành tốt

Định nghĩa về công nợ

Việc quản lý và thu hồi công nợ tốt sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán trong vấn đề chiếm dụng vốn, thời gian và nguồn lực, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Công nợ là quá trình ghi nhận và theo dõi các khoản phải thu khách hàng khi doanh nghiệp thực hiện cung cấp sản phẩm hay hàng hóa dịch vụ, hoặc có thể là các khoản phải trả khách hàng phát sinh khi doanh nghiệp mua nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa dịch vụ từ doanh nghiệp khác.

Nếu doanh nghiệp thanh toán hoặc thu hồi được một phần khoản tiền giao dịch, thì số tiền còn lại nợ sang kỳ sau được gọi tắt là công nợ, được chia thành hai loại đó là công nợ phải thu và công nợ phải trả:

  • Công nợ phải thu bao gồm: tiền bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, khoản đầu tư tài chính chưa thu được tiền. Đối tượng cần theo dõi đó là nhà cung cấp, khách hàng, nhân viên…
  • Công nợ phải trả bao gồm: khoản phải trả cho nhà cung cấp về vật tư, công cụ dụng cụ, nguyên vật liệu, hàng hóa dịch vụ mà doanh nghiệp chưa thanh toán cho đơn vị liên quan. Công nợ phải trả được kế toán công nợ theo dõi theo từng đối tượng cụ thể.

Ngoài ra trong doanh nghiệp còn có các khoản công nợ khác như các khoản phải thu hộ nội bộ, khoản tạm ứng, tiền bồi thường, khoản phải trả cho công nhân viên, phải nộp cho nhà nước…

khai niem ve cong no
Thu hồi công nợ tốt sẽ giúp phát triển bền vững của Doanh nghiệp

Quy trình thu hồi công nợ

Để thực hiện tốt việc quản lý thu hồi công nợ, cần hiểu thu hồi công nợ là việc doanh nghiệp thu hồi lại các khoản nợ từ khách hàng khi đã giao sản phẩm nhưng vẫn chưa được thanh toán hoặc mới thanh toán một phần, hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án và đã có bản án hoặc quyết định.

Thu hồi CÔNG NỢ là một quá trình khó khăn và không phải ai cũng có thể đảm nhận và hoàn thành tốt. Để thực hiện tốt quá trình thu hồi công nợ hiệu quả, ngoài những kỹ năng và bản lĩnh cần có của người thu hồi nợ, các doanh nghiệp cần có quy trình thu hồi công nợ hợp lý. Các bước quản lý thu hồi công nợ gồm:

  1. Xác định khoản phải thu tối thiểu của mỗi khách hàng;
  2. Phân loại khách nợ;
  3. Chọn người thu hồi nợ;
  4. Nhắc nhở khách hàng thanh toán trước khi đáo hạn;
  5. Đàm phán với khách nợ;
  6. Nhờ đến toà án có thẩm quyền trách nhiệm để đòi nợ (trong trường hợp cần thiết khi nợ khó đòi).

Biện pháp thu hồi công nợ khi đối tác VỠ NỢ

huong xu ly khi thu hoi cong no
Để thực hiện tốt quá trình thu hồi nợ cần áp dụng nhiều biện pháp khác nhau

Ý nghĩa của việc “thu hồi nợ” là đảm bảo sự lành mạnh và an toàn về tài chính của doanh nghiệp, giúp vận hành bộ máy hoạt động hiệu quả và tránh rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Để thủ tục đòi nợ được nhanh chóng bạn cần lưu ý đến các nội dung sau:

  • Xác minh về nơi ở của bên vay, tài sản hiện có và những yếu tố về nhân thân của đối tác;
  • Liệt kê đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh thêm nếu không trả nợ;
  • Đưa ra phương án trả nợ khả thi, với những khoản nợ khó đòi thì buộc phải ghi nhận việc trả nợ theo từng giai đoạn, và linh động về tài sản dùng trả nợ thay cho tiền.

Ngoài ra cần xem xét về thứ tự ưu tiên được thi hành án, cụ thể là nếu đã thanh toán xong các khoản sau thì sẽ tiếp tục trả các khoản nợ còn lại cho tới hết:

  • Về chi phí phá sản;
  • Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
  • Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
  • Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước nếu vẫn còn tài sản để chia.

Còn nếu khi thanh toán xong các khoản trên mà không còn tài sản để thanh toán nợ không bảo đảm hoặc nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ thì sẽ không được thanh toán nữa.

Vấn đề công nợ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động. Do đó mỗi doanh nghiệp đều phải có các chính sách hiệu quả.

  • Trường hợp không có yêu cầu mở thủ tục phá sản: có quyền yêu cầu phía đối tác thanh toán khoản nợ với công ty mình. Việc thanh toán khoản nợ này dựa trên thỏa thuận trong hợp đồng, khả năng chi trả của đối tác hoặc thỏa thuận khác của các bên. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.
  • Trường hợp có yêu cầu mở thủ tục phá sản: nếu sau Hội nghị chủ nợ, các bên không thể thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc có nhưng bị đình chỉ và phải mở thủ tục phá sản, các khoản nợ của công ty đối tác sẽ được phân chia theo thứ tự quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014.

Nếu phía đối tác bị phá sản “vỡ nợ”, tài sản khác của cá nhân của đối tác có thể được đưa vào để trả nợ khi thuộc trường hợp tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh. Theo đó, công ty đối tác phải được đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh thì tài sản của đối tác được đưa vào khi giải quyết việc trả nợ.

Khi sử dụng các biện pháp dân sự không thành công, cá nhân có thể tiến hành làm đơn khởi kiện đòi nợ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền bởi:

  • Thủ tục khởi kiện giúp bạn yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thực hiện cả nghĩa vụ thanh toán lãi quá hạn và các thiệt hại mà bạn gặp phải.
  • Bên có nghĩa vụ trả nợ nếu cố tình không thực hiện phán quyết mà Tòa án đề ra.

Nếu như phát hiện đối tác có dấu hiệu tẩu tán tài sản và để đảm bảo quyền lợi cho mình, bạn có thể làm đơn đến cơ quan Tòa án để yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Hồ sơ khởi kiện đòi nợ bao gồm:

  • Đơn khởi kiện.
  • Giấy tờ vay nợ và các tài liệu khác.
  • Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước về địa chỉ cư trú, làm việc của bị đơn.
  • Chứng minh nhân dân và Hộ khẩu của người khởi kiện.
  • Giấy tờ chứng minh vụ việc vẫn còn thời hiệu khởi kiện (nếu có).

Trên đây là phần tư vấn của Công ty Luật TNHH Long Phan PMT liên quan đến vấn đề thu hồi nợ và biện pháp xử lý. Nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc yêu cầu hỗ trợ pháp lý liên quan vấn đề này, xin liên hệ hotline bên dưới để được Luật sư tư vấn chi tiết và cụ thể. Xin cảm ơn !

Bài viết nói về: Cách thu hồi công nợ khi đối tác bị vỡ nợ
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Vũ Viết Năng



March 12, 2020 at 01:00PM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps