Cách viết đơn kháng cáo bản án sơ thẩm vụ án tranh chấp đất đai.

No Comments

Kháng cáo bản án sơ thẩm tranh chấp đất đai là việc các đương sự yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật. Việc kháng cáo là quyền của các đương sự khi cho rằng bản án sơ thẩm tuyên chưa phù hợp, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong nội dung bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiều những quy định liên quan đến việc kháng cáo bản án giải quyết tranh chấp đất đai.

Don khang cao viet theo mau 01
Cách viết đơn kháng cáo bản án sơ thẩm tranh chấp đất đai

Quy định của pháp luật về việc kháng cáo bản án sơ thẩm tranh chấp đất đai.

Khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, nếu không đồng ý với nội dung bản án, đương sự có thể làm đơn kháng cáo yêu cầu xét xử phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Thời hạn kháng cáo

Theo quy định của pháp luật quy định tại Điều 273 BLTTDS 2015:

  • Thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án;
  • Đối với trường hợp đương sự không có mặt tại tòa lúc tuyên án thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày nhận được bản án từ Tòa án;
  • Còn trong trường hợp đương sự không có mặt tại phiên tòa lúc tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn được tính từ thời điểm tòa tuyên án.
  • Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua đường bưu điện thì ngày kháng cáo được dựa theo dấu của tổ chức Bưu chính nơi gửi đơn.
  • Đối với những người đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
Cach tinh thoi han khang cao
Xác định thời hạn được phép kháng cáo sau khi tòa tuyên án sơ thẩm

Việc xác định đúng thời hạn kháng cáo có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu chúng ta thực hiện không đúng thời hạn trong quy định mà không có lý do chính đáng thì không thể kháng cáo được và bản án sơ thẩm đã tuyên sẽ có hiệu lực thi hành.

Đơn kháng cáo phải được nộp cho Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm nơi ban hành bản án bị kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Kháng cáo quá hạn

Kháng cáo quá hạn là trường hợp chúng ta vì những lý do khách quan mà pháp luật quy định gây cản trở đến việc chúng ta thực hiện quyền kháng cáo đúng thời hạn.

Khi đã hết thời hạn kháng cáo thông thường, chúng ta có thể làm đơn “Kháng cáo quá hạn” cùng với đó phải giải trình lý do chính đáng.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP:

“Lý do chính đáng” là trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác (như: do thiên tai, lũ lụt; do ốm đau, tai nạn phải điều trị tại bệnh viện,…) làm cho người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định.

Trình tự giải quyết kháng cáo quá hạn.

Căn cứ Điều 275 BLTTDS 2015 quy định:

  • Sau khi nhận được Đơn kháng cáo quá hạn và bản tường trình lý do, Tòa án cấp sơ thẩm gửi Đơn kháng cáo quá hạn, bản giải trình lý do cùng hồ sơ, tài liệu cho tòa án cấp Phúc thẩm.
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Đơn kháng cáo quá hạn cùng chứng cứ, tài liệu kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn.
  • Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn.
  • Quyết định công nhận hay không công nhận kháng cáo quá hạn phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Đối với kháng cáo quá hạn, việc xác định được “Lý do chính đáng” là quan trọng nhất vì nó là cơ sở để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết Kháng cáo.

Quy định của pháp luật về Đơn kháng cáo.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đơn kháng cáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Căn cứ Điều 272 BLTTDS 2015 quy định đơn kháng cáo phải có những nội dung sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
  • Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
  • Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
  • Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

Người kháng cáo phải có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Đương sự có quyền tự mình kháng cáo hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc kháng cáo. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản có công chứng chứng thực theo quy định và nội dung phải đề cập đến việc ủy quyền cho người đó thực hiện việc kháng cáo.

Hướng dẫn cách viết đơn kháng cáo bản án sơ thẩm giải quyết tranh chấp đất đai.

Căn cứ Điều 3 Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP quy định:

  • Đơn kháng cáo phải được viết theo mẫu đơn kháng cáo số 01 ban hành theo Nghị quyết này.
  • Người kháng cáo phải ghi rõ ngày làm đơn kháng cáo;
  • Ghi rõ họ và tên của người kháng cáo;
  • Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
  • Người kháng cáo phải trình bày rõ đơn kháng cáo này kháng cáo một phần hay toàn bộ bản án sơ thẩm đã tuyên chưa có hiệu lực để có căn cứ cho tòa án giải quyết.
  • Người kháng cáo phải trình bày lý do kháng cáo. Không đồng ý với phần nào, quyết định nào của bản án sơ thẩm. Hay việc cho rằng Hội đồng xét xử sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tố tụng dẫn đến việc ban hành bản án không đúng với quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.
  • Cùng với đó trong đơn kháng cáo phải trình bày yêu cầu của đương sự yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết theo quy định.
  • Cuối cùng phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

Thẩm quyền nhận đơn kháng cáo là Tòa án nhân dân ban hành bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Nếu người kháng cáo nạp trực tiếp đơn kháng cáo tại Tòa án nhân dân cấp Phúc thẩm thì cũng sẽ được chuyển lại cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết. Điều đó gây mất thời gian trong quá trình giải quyết vụ án.

Huy ban an so tham
Phiên tòa phúc thẩm xét xử lại vụ án sơ thẩm tranh chấp đất đai

Sau khi đơn Kháng cáo bản án tranh chấp đất đai của bạn hợp lệ và được tòa án tiếp nhận và đã nộp đầy đủ tạm ứng án phí phúc thẩm. Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Căn cứ Điều 286 BLTTDS 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là 2 tháng. Đối với những vụ án có tình tiết phức tạp tòa án có thể kéo dài thêm thời hạn nhưng không được quá một tháng.

Sau khi hoàn thành xong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử và tiến hành xét xử phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm tuyên án.

Trên đây là bài viết tư vấn về cách viết đơn kháng cáo đất đai. Mọi thắc mắc xin liên hệ hotline để được tư vấn miễn phí. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết./.

Bài viết nói về: Cách viết đơn kháng cáo bản án sơ thẩm vụ án tranh chấp đất đai.
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng



March 22, 2020 at 01:01PM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps