Trình tự phiên tòa phúc thẩm giải quyết tranh chấp đất được diễn ra khi đương sự có đơn kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có kháng nghị bản án sơ thẩm. Nếu đủ căn cứ và đúng quy định của pháp luật, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thụ lý để xét xử nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.
Quy định của pháp luật về việc kháng cáo bản án sơ thẩm tranh chấp đất đai.
Khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, nếu không đồng ý với nội dung bản án, đương sự có thể làm đơn kháng cáo yêu cầu xét xử phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm theo quy định tại Điều 271 BLTTDS 2015
Đơn kháng cáo phải được nộp cho Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm nơi ban hành bản án bị kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Khi xem xét thấy đơn kháng cáo đáp ứng đủ các điều kiện theo Luật định. Tòa án sẽ tiến hành thụ lý vụ án xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Trình tự xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp đất đai.
Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận Thông báo đóng tiền tạm ứng án phí Phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tạm ứng án phí và nộp lại biên lai cho Tòa án phúc thẩm theo quy định tại Điều 276 BLTTDS 2015.
Sau khi người kháng cáo nộp biên lai Tạm ứng án phí, Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật và thông báo cho các đương sự có liên quan biết về việc kháng cáo bằng văn bản.
Theo quy định tại Điều 286 BLTTDS 2015, trong thời hạn 2 tháng, Tòa án phải có quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu không có cơ sở để đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Trong thời hạn 1 tháng kể từ thời điểm có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải tiến hành xét xử phúc thẩm.
Trình tự phiên tòa xét xử phúc thẩm tranh chấp đất đai
Chuẩn bị khai mạc phiên tòa phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các (Điều 237, 239, 240, 241 và 242 của BLTTDS 2015).
Hỏi về việc kháng cáo:
- Sau khi kết thúc thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm thì một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm công bố nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo.
- Tòa án sẽ hỏi nguyên đơn có rút đơn khởi kiện hay không, hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không (Điều 298 BLTTDS 2015).
Công nhận sự thỏa thuận của các bên:
- Theo quy định của Điều 300 BLTTDS 2015 thì tại phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử công nhận thỏa thuận đó và dựa trên đó đưa ra bản án phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm.
- Trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau thì phiên tòa được tiến hành theo thủ tục gồm phần tranh tụng giữa nguyên đơn, bị đơn.
Tranh tụng tại phiên tòa: bao gồm trình bày về kháng cáo, hỏi và tranh tụng tại phiên tòa:
- Trình bày về kháng cáo: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày, người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến. Tất cả đương sự đều kháng cáo thì việc trình bày được thực hiện theo thứ tự nguyên đơn; bị đơn kháng cáo, và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Hỏi và công bố tài liệu, chứng cứ: thủ tục hỏi những người tham gia tố tụng và công bố tài liệu, chứng cứ, xem xét vật chứng quy định tại Điều 287 của Bộ luật này tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 303 BLTTDS 2015)
- Tranh luận: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tranh luận, đối đáp, đương sự có quyền bổ sung ý kiến.
- Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án. Thủ tục tranh luận được quy định tại (khoản 2 Điều 305 BLTTDS 2015), theo đó:
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày. Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tranh luận, đối đáp. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;
- Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Nghị án, tuyên án.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX tiến hành thủ tục nghị án. HĐXX phải căn cứ dựa trên chứng cứ, quá trình xét xử tại phiên tòa hoặc áp dụng án lệ, tập quán pháp luật để đưa ra bản án theo đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp vụ án phức tạp, HĐXX có thể nghị án kéo dài nhưng không quá 5 ngày kể từ lúc kết thúc phần tranh luận tại phiên tòa theo quy định tại Điều 264 BLTTDS 2015
Thủ tục tạm ngừng, tạm hoãn phiên tòa.
Tạm ngừng phiên tòa
Theo quy định tại Điều 304 BLTTDS 2015, HĐXX phúc thẩm giải quyết tranh chấp đất được ngừng phiên tòa trong các trường hợp:
- Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;
- Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt;
- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;
- Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại;
- Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải;
Thời gian tạm ngừng phiên tòa phiên tòa không được quá 1 tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015.
Hoãn phiên tòa.
Theo quy định tại Điều 296 BLTTDS 2015,HĐXX phúc thẩm có thể hoãn phiên tòa phúc thẩm trong các trường hợp sau:
- Đại diện Viện Kiểm sát kháng nghị nhưng vắng mặt;
- Người kháng cáo hoặc người có quyền lợi liên quan đến việc kháng cáo vắng mặt khi tòa triệu tập lần thứ nhất;
- Hoặc vì trường hợp bất khả kháng mà người kháng cáo không thể có mặt.
Thời hạn hoãn phiên tòa phúc thẩm không được quá một tháng theo quy định.
Bản án của Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết tranh chấp đất đai
Thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm
Theo quy định tại Điều 308 BLTTDS 2015, tùy theo các tình tiết trong vụ án thì hội đồng xét xử phúc thẩm có thẩm quyền như sau:
- Giữ nguyên bản án sơ thẩm khi xem xét chứng cứ, các tình tiết của vụ án mà HĐXX phúc thẩm nhận thấy bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là đúng quy định của pháp luật;
- Sửa bản án sơ thẩm khi HĐXX phúc thẩm nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật trong việc thu thập chứng cứ và chứng minh đã được thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định; Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ.
- Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm trong trường hợp không tuân thủ đúng các quy định mà tòa án cấp Phúc thẩm không thể bổ sung được hoặc HĐXX sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự;
- Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án khi có căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 217 BLTTDS 2015 hoặc nguyên đơn rút đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 299 BLTTDS 2015;
- Đình chỉ xét xử phúc thẩm khi người kháng cáo được triệu tập đến lần thứ 2 mà vẫn không tham gia phiên tòa hoặc các căn cứ để đình chỉ xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 289 BLTTDS 2015;
- Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời Tòa án kết quả xử lý.
Sau khi hoàn thành xong thủ tục xét xử tại phiên tòa, Tòa án tiến hành nghị án và tuyên án theo quy định của pháp luật. Dựa theo những thẩm quyền của Tòa án cấp phúc Thẩm đã phân tích phía trên, Tòa án có thể đưa ra những quyết định phù hợp với chứng cứ, diễn biến phiên tòa.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm tuyên án. Theo quy định tại Điều 315 BLTTDS 2015 Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ
Trên đây là bài viết trình bày quy định của pháp luật liên quan đến phiên tòa Phúc thẩm tranh chấp đất đai. Mọi thắc mắc xin liên hệ hotline để được tư vấn. Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết./.
Có thể bạn quan tâm
Bài viết nói về: Trình tự phiên tòa phúc thẩm vụ án giải quyết tranh chấp đất
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng
March 30, 2020 at 01:05PM
0 comments
Đăng nhận xét