Các chứng cứ cần có trong vụ án tranh chấp đất đai

No Comments

Chứng cứ trong vụ án tranh chấp đất đai là tài liệu hết sức quan trọng nhằm làm sáng tỏ vụ án, đảm bảo sự khách quan và công bằng trong xét xử. Phạm vi bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc đặc biệt là người đang có tranh chấp đất biết được những tài liệu chứng cứ cần phải nộp lên Tòa để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình.

chung cu trong tranh chap dat
Đương sự có nghĩa vụ nộp các chứng cứ để Tòa án giải quyết tranh chấp về đất

Chứng cứ là gì ?

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục luật định.

Tòa án sử dụng chứng cứ để làm căn cứ xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp được quy định tại (Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

Quyền của đương sự trong thu thập chứng cứ

Căn cứ theo (khoản 1 Điều 6 BLTTDS 2015) đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Trường hợp không thể tự mình thu thập được chứng cứ, đương sự có quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc theo quy định theo quy định tại (khoản 7 Điều 70 BLTTDS 2015).

Tầm quan trọng của chứng cứ khi giải quyết tranh chấp đất đai

so do la chung cu quan trong
Sổ đỏ là chứng cứ quan trọng chứng minh quyền sử dụng đất của người sử dụng đất

Pháp luật Việt Nam giải quyết vụ án dựa trên các tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở đưa ra kết luận của vụ án. “Án tại hồ sơ” là một trong những nguyên tắc của xét xử đòi hỏi mọi chứng cứ của vụ án phải được thu thập đầy đủ và chính xác đúng quy định của luật tố tụng và đưa vào hồ sơ vụ án.

Đối với các vụ án tranh chấp đất đai, vấn đề tìm ra chứng cứ và cung cấp chứng cứ là rất quan trọng, vì trong nhiều vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất có nguồn gốc rất lâu đời, nên chứng cứ bị mất dần đi theo thời gian, việc thu thập chứng cứ là vô cùng khó khăn.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không bị xâm phạm, việc chứng minh nguồn gốc tạo lập, quá trình sử dụng và hiện trạng của đất là rất cần thiết. Việc chứng minh được thể hiện qua các tài liệu, chứng cứ của người sử dụng đất.

Chứng cứ trong vụ án tranh chấp đất đai bao gồm những gì?

xin trich luc chung cu
Đương sự có quyền yêu cầu trích lục hồ sơ địa chính tại cơ quan có thẩm quyền

Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai thì các tài liệu, chứng cứ chứng minh phải liên quan đến nguồn gốc tạo lập, quá trình sử dụng và hiện trạng đất. Theo đó chứng cứ cụ thể bao gồm:

Nguồn gốc tạo lập đất:

  • Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước qua các thời kỳ.
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước 15/10/1993.
  • Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất
  • Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước 15/10/1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng.
  • Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.
  • Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất quy định tại (điều 15 Thông tư 02/2015/TT-BNTMT) như: bằng khoán điền thổ, văn tự đoạn mãi bất động sản có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ, bản di chúc hoặc giấy thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở được cơ quan thuộc chế độ cũ chứng nhận,….

Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 15/10/1993 quy định tại (điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP) như sau:

  • Sổ mục kê đất, sổ kiên điền lập trước ngày 18/12/1980
  • Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10/11/1980 bao gồm: biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã; bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp; đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất.
  • Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư
  • Giấy tờ của nông, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông, lâm trường để làm nhà ở
  • Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; về việc xây  dựng, sửa chữa nhà ở, công trình
  • Giấy tờ tạm giao đất của UBND các cấp
  • Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí cho cán bố, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà

Quá trình sử dụng và hiện trạng sử dụng đất

Đất ở ổn định, không có tranh chấp. Sử dụng đất ổn định khi có đủ các căn cứ được quy định tại (điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP). Các giấy tờ chứng minh đất ở ổn định như sau:

  • Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuê nhà đất
  • Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dụng công trình gắn liền với đất
  • Quyết định hoặc bản án của TAND đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất
  • Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành, biên bản hòa giải tranh chấp đất
  • Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền
  • Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn; chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh, giờ tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký
  • Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được nhà nước giao quản lý, sử dụng đất
  • Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;
  • Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ
  • Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

Trong trường hợp người sử dụng đất không còn lưu lại các giấy tờ về đất thì có quyền yêu cầu cơ quan đang lưu giữ hồ sơ, tài liệu địa chính như Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường các cấp để xin trích lục hồ sơ chứng minh về quyền sử dụng đất của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Người khởi kiện có quyền yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ. Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ thể hiện thông qua biên bản thẩm định tại chỗ, biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, biên bản thẩm định giá, bản vẽ phần đất tranh chấp. Chứng cứ để làm cơ sở giải quyết tranh chấp đất mà Tòa thu thập nhằm xác định:

  • Xác định hiện trạng sử dụng đất
  • Vị tri, kích thước, hình dạng thửa đất tranh chấp
  • Tình trạng thửa đất (đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa, đã đăng ký địa chính chưa, tài sản trên đất, sửa chữa so với ban đầu,…)

Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện tương tự thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khác theo quy định tại (Điều 202 và Điều 203 Luật Đất đai 2013).

Trên đây là bài viết liên quan đến các chứng cứ trong giải quyết vụ án tranh chấp đất đai. Trường hợp còn thắc mắc về nội dung bài viết hoặc cần trao đổi trực tiếp liên quan các vấn đề về đất đai, quý bạn đọc có thể liên hệ với luật sư để được hỗ trợ kịp thời và nhiệt tình nhất những vướng mắc pháp lý của quý bạn đọc. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Các chứng cứ cần có trong vụ án tranh chấp đất đai
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng



April 01, 2020 at 10:00AM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps