Hướng dẫn khởi kiện đòi lại quyền nuôi con sau ly hôn

No Comments

Khởi kiện đòi lại quyền nuôi con sau ly hôn là tranh chấp phát sinh chủ yếu khi quan hệ vợ chồng không còn tốt đẹp như ban đầu. Quyền nuôi con được pháp luật quy định rõ ràng để hạn chế tối đa mâu thuẫn của vợ chồng. Phạm vi bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề pháp lý trên và trường hợp có tranh chấp sẽ tìm được hướng giải quyết tốt nhất.

tranh chap quyen nuoi con
Đòi lại quyền nuôi con phát sinh sau khi ly hôn được pháp luật điều chỉnh theo quy định

Quyền khởi kiện đòi lại quyền nuôi con

doi lai quyen nuoi con sau ly hon
Vợ/chồng có quyền đòi lại quyền nuôi con nếu đảm bảo điều kiện mà pháp luật quy định

Khi Tòa án quyết định ly hôn đồng nghĩa với việc vợ, chồng sẽ phải tự thỏa thuận về quyền nuôi con hoặc thông qua Tòa án để xác định quyền trực tiếp nuôi con.

Khởi kiện đòi quyền nuôi con sau ly hôn là quyền của một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp giành quyền nuôi con khi quan hệ vợ chồng chấm dứt. Tranh chấp về quyền nuôi con thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng.

Người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm các chủ thể được quy định tại (khoản 1 và khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014), cụ thể là:

  • Cha đẻ, mẹ đẻ của người con. Họ là người trực tiếp nuôi hoặc không được trực tiếp nuôi con theo nội dung của bản án/quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án trước đó nhưng có yêu cầu đòi lại quyền nuôi con.
  • Người thân thích
  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình
  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em
  • Hội liên hiệp phụ nữ

Căn cứ chấm dứt việc nuôi con

Căn cứ chấm dứt việc nuôi con được quy định tại (khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014) như sau:

  • Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con. Thỏa thuận được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và đảm bảo tốt nhất việc nuôi dưỡng, giáo dục con.
  • Người trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định pháp luật.

Điều kiện đòi lại quyền nuôi con

Trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận về quyền nuôi con thì điều kiện để đòi lại quyền nuôi con khi nhờ sự can thiệp của Tòa án là:

Điều kiện về chủ thể:

Người trực tiếp nuôi con phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có tư cách đạo đức, nhân phẩm tốt, không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền cha mẹ đối với con cái theo quy định tại (Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

Điều kiện về vật chất (kinh tế)

  • Vợ/chồng chứng minh có đủ điều kiện về vật chất như có tài sản thể hiện thông qua có công việc ổn định, có thu nhập, chỗ ở hợp pháp để nuôi sống người con và đáp ứng tối thiểu nhu cầu thiết yếu của người con.
  • Mọi điều kiện về vật chất nhằm đảm bảo cho người con có được cuộc sống tốt nhất tương xứng với điều kiện của người có khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc.

Điều kiện về tinh thần

  • Người có quyền nuôi con không được thực hiện các hành vi bao lực gia đình đối với con cái, không để con tiếp xúc đến các tệ nạn xã hội,…
  • Tạo môi trường sống, học tập, vui chơi cho người con đảm bảo hình thành và phát triển nhân cách bình thường của người con.

Trình tự thủ tục khởi kiện

khoi kien doi lai quyen nuoi con
Giải quyết tranh chấp quyền nuôi con thuộc thẩm quyền của Tòa án

Nội dung đơn khởi kiện

Đơn khởi kiện giành quyền nuôi con gồm những nội dung sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  • Tên Tòa án nơi bị đơn cư trú;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện. Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị khởi kiện;
  • Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm, những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện;
  • Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện: giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh,… (bản sao).

Thành phần hồ sơ

  • Đơn khởi kiện (mẫu đơn khởi kiện);
  • Bản án/quyết định ly hôn của Tòa án;
  • Giấy khai sinh của con (bản sao);
  • Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao);
  • Các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ để thay đổi quyền nuôi con.

Thủ tục thực hiện

Trường hợp vợ/chồng thỏa thuận về quyền nuôi con, yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình quyền nuôi con thì được thực hiện như sau:

  1. Vợ/chồng lập văn bản thỏa thuận về quyền nuôi con sau khi ly hôn.
  2. Nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận về quyền nuôi con. (mẫu đơn yêu cầu thỏa thuận nuôi con)
  3. Tòa án xem xét hồ sơ, kiểm tra về điều kiện nuôi dưỡng của cha mẹ. Nếu xét thấy việc thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với lợi ích của con thì Tòa án sẽ ra quyết định về việc thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn.

Trường hợp vợ/chồng không tự thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết tranh chấp về nuôi con được quy định tại (khoản 1 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015). Thủ tục thực hiện như sau:

  1.  Nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền nơi bị đơn đang cư trú, làm việc (mẫu đơn khởi kiện giành quyền nuôi con)
  2.  Tòa án xem xét đơn. Nếu đơn hợp lệ, Tòa án tiến hành thụ lý vụ án, ra thông báo thụ lý để người khởi kiện thực hiện nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí.
  3.  Người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí đến Tòa án đang giải quyết đơn.
  4.  Tòa án thực hiện xác minh hồ sơ, chứng cứ tiến hành hòa giải.
  5.  Mở phiên Tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục tố tụng dân sự. Nếu không đồng ý với bản án/quyết định của Tòa thì một trong các bên có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định.

Thời hạn giải quyết đòi lại quyền nuôi con từ 04 – 06 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định tại (Điều 203 BLTTDS 2015).

Quyền và nghĩa vụ của người đòi lại quyền nuôi con sẽ phát sinh kể từ khi bản án/quyết định của Tòa không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là bài viết liên quan đến quyền nuôi con cũng như hướng dẫn cách viết đơn, cách thức khởi kiện đòi lại quyền nuôi con theo quy định của pháp luật.

Nếu có thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết hoặc có vấn đề phát sinh trong quan hệ hôn nhân và gia đình, quý bạn đọc có thể liên hệ thông qua hotline bên dưới để nhận được sự tư vấn trực tiếp và hỗ trợ một cách nhiệt tình từ Luật sư. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Hướng dẫn khởi kiện đòi lại quyền nuôi con sau ly hôn
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Đỗ Thanh Lâm



March 31, 2020 at 01:00PM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps