Chuyển nhượng vốn có cần phải thay đổi giấy phép kinh doanh không là câu hỏi được đặt ra khi một cổ đông sáng lập có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần của mình. Pháp luật quy định như thế nào đối với vấn đề này? Bài viết dưới đây sẽ cho quý bạn đọc biết được trình tự, thủ tục và các điều kiện đặc biệt đối với cổ đông sáng lập khi chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần.
Thế nào được coi là cổ đông sáng lập
Công ty cổ phần hiện nay đang chiếm một số lượng lớn trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, trên phương diện pháp luật công ty cổ phần là một dạng pháp nhân có trách nhiệm hữu hạn, được thành lập và tồn tại độc lập đối với những chủ thể sở hữu. Trong mô hình này, vốn góp của công ty cổ phần được chia thành từng phần bằng nhau và gọi chung là cổ phần.
Trước khi tìm hiểu thế nào là cổ đông sáng lập, chúng ta cùng đi đến định nghĩa cổ đông là gì. Theo khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.
Có ba loại cổ đông là cổ đông sáng lập, cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi, trong đó cổ đông sáng lập đóng vai trò tham gia xây dựng công ty, được thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần. Cổ đông sáng lập là:
- Cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và;
- Ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.
Điều kiện chuyển nhượng vốn của cổ đông sáng lập
Khác với chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn hay trong công ty hợp danh, chuyển nhượng vốn của cổ đông sáng lập (chuyển nhượng cổ phần) là một hình thức chỉ có ở công ty cổ phần và có ý nghĩa quan trọng về cả phương diện kinh tế và phương diện pháp lý.
Theo khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014, trong ba năm đầu kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DOANH NGHIỆP:
- Các cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần cho nhau;
- Nếucó chuyển nhượng cho một người khác không phải là cổ đông sáng lập phải được Đại Hội đồng cổ đông đồng ý.
Sau thời hạn ba năm nêu trên, các cổ đông sáng lập của công ty được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cả người không phải là cổ đông công ty.
Thủ tục chuyển nhượng vốn của cổ đông sáng lập
Trên thực tế, có nhiều lý do khiến các cổ đông muốn chuyển nhượng lại cổ phần của mình. Khi chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập cần phải thực hiện theo một trình tự, thủ tục nhất định. Cụ thể:
- Các bên liên quan ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
- Các bên lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.
- Tổ chức cuộc họp Đại Hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.
- Chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của Công ty.
- Đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần tại cơ quan đăng ký kinh doanh, bên chuyển nhượng cổ phần phải làm thủ tục nộp “thuế thu nhập cá nhân” áp dụng khi chuyển nhượng cổ phần.
Có cần phải thay đổi giấy phép kinh doanh khi chuyển nhượng vốn?
Theo quy định tại Nghị định 108/2018/NĐ-CP, trường hợp chuyển nhượng phải thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh là:
- Chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài;
- Thay đổi cổ đông sáng lập do không góp đủ vốn.
Trước đây cổ đông sáng lập khi chuyển nhượng phải thông báo với phòng đăng ký kinh doanh để thay đổi giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên theo quy định mới của Nghị định 108/2018/NĐ-CP thì với trường hợp này doanh nghiệp không cần nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh mà chỉ cần lưu giữ hồ sơ nội bộ về chuyển nhượng cổ phần và thực hiện khai và nộp thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần.
Vậy khi cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng vốn thì không phải thay đổi giấy phép kinh doanh nữa.
Trên đây là phần tư vấn của Công ty luật TNHH Long Phan PMT liên quan đến vấn đề chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần. Nếu quý khách hàng có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần hoặc soạn thảo các giấy tờ liên quan đến hồ sơ chuyển nhượng, xin liên hệ hotline bên dưới để được Luật sư tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn !
Có thể bạn quan tâm
Bài viết nói về: Cổ đông sáng lập chuyển nhượng vốn có phải thay đổi giấy phép kinh doanh?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng
March 13, 2020 at 07:00AM
0 comments
Đăng nhận xét