Đơn khởi kiện là văn bản pháp lý đầu tiên mà chúng ta nộp cho Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách để viết và trình bày đơn khởi kiện đúng với quy định của pháp luật và được Tòa án nhận đơn ngay từ lần đầu. Việc viết đơn khởi kiện phải đảm bảo trình bày và nội dung đúng với quy định.
Cách xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án
Mỗi khi phát sinh những tranh chấp. Chúng ta thường nghĩ đến việc khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy nhiên không phải tất cả những vấn đề xảy ra trong cuộc sống chúng ta đều có thể khởi kiện.
Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được quy định cụ thể và rõ ràng:
Xác định thẩm quyền theo vụ việc
- Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
- Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
- Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự, vay tiền….
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này.
- Tranh chấp về thừa kế tài sản.
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.
- Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.
- Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
- Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.
- Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
- Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
- Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
- Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tòa án còn có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp, yêu cầu liên quan đến Hôn nhân gia đình, ly hôn, quan hệ vợ chồng, Kinh doanh thương mại, Lao động…
Xác định thẩm quyền giải quyết theo cấp.
Việc xác định tòa án cấp Huyện hay tòa án cấp Tỉnh là đơn vị có thẩm quyền giải quyết là một trong những yếu tố quan trọng. Bởi vì nếu như xác định sai thẩm quyền tòa án giải quyết sẽ không được thụ lý và trả lại.
Thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp Huyện.
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 BLTTDS 2015
Tòa án Nhân dân cấp Huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
- Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
- Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp về lao động
Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
- Yêu cầu về dân sự tại Điều 27 trừ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam. ;
- Yêu cầu về hôn nhân và gia đình trừ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam
- Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;
- Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.
- Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân cấp Tỉnh.
Căn cứ Điều 37 BLTTDS 2015
- Tòa án Nhân dân cấp Tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
- Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này
- Tòa án nhân dân cấp Tỉnh giải quyết những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trừ những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp Huyện.
- Cùng với đó, ngoài những yêu cầu dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp Huyện thì Tòa án Tỉnh được xác định có thẩm quyền giải quyết.
- Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ.
Bên cạnh việc xác định thẩm quyền giải quyết theo cấp, chúng ta cũng cần xác định thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ ví dụ như đã xác định được tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án Huyện nhưng Huyện nào có thẩm quyền thụ lý? Huyện nơi bị đơn cư trú hay nơi nào khác?
Căn cứ quy định tại Điều 39 BLTTDS 2015
- Đối với những tranh chấp dân sự, thẩm quyền tòa án theo lãnh thổ được xác định là nơi cư trú, nơi làm việc đối với cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở của bị đơn nếu trường hợp là tổ chức.
- Các bên có thể thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc yêu cầu tòa án nơi cư trú của nguyên đơn giải quyết tranh chấp.
- Đối với tranh chấp liên quan đến bất động sản thì tòa án nơi có bất động sản đó có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
- Đối với những yêu cầu dân sự thì thẩm quyền theo lãnh thổ được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 BLTTDS 2015.
Như vậy, khi chúng ta gặp những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa thì mới có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định.
Nội dung đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Không có mẫu đơn khởi kiện được quy định sẵn. Tuy nhiên, một lá đơn khởi kiện đúng quy định phải tuân thủ các quy định của pháp luật về những nội dung phải trình bày trong đơn.
Những nội dung cơ bản của một tờ đơn khởi kiện được quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
- Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
- Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Cùng với đó, người làm đơn khởi kiện còn phải đáp ứng yêu cầu về năng lực hành vi dân sự, năng lực nhận thức.
Khi đã tuân thủ đầy đủ các quy định nêu trên, đơn khởi kiện sẽ được tòa án thụ lý giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Hướng dẫn viết đơn khởi kiện đúng quy định của pháp luật.
Khi viết đơn khởi kiện Dân sự, chúng tôi khuyên bạn nên nhờ những người có chuyên môn thực hiện việc soạn thảo đơn khởi kiện. Việc của bạn là cung cấp cho họ những tài liệu, chứng cứ, nội dung và yêu cầu khởi kiện.
Trong trường hợp tự viết, chúng ta cần phải tuân thủ những quy định của pháp luật như trình bày đơn khởi kiện phải có ngày tháng làm đơn, đơn được gửi cho Tòa án nào, địa chỉ, thông tin của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trình bày nội dung khởi kiện chúng ta cũng cần để ý. Nội dung khởi kiện phải nêu lên được nguồn gốc phát sinh tranh chấp, thực trạng, những chứng cứ. Qua nội dung khởi kiện, Tòa án mới lấy làm căn cứ để thụ lý và giải quyết.
Cuối cùng là yêu cầu khởi kiện. Chúng ta cần nêu rõ yêu cầu của chúng ta là gì. Chúng ta muốn Tòa án giải quyết những vấn đề gì. Tránh trình bày một cách chung chung dẫn đến tòa án yêu cầu bổ sung sửa đổi đơn khởi kiện gây mất thời gian.
Chữ ký cuối đơn phải là do người khởi kiện ký hoặc điểm chỉ thì đơn khởi kiện đó mới có giá trị.
Trên đây là bài viết tư vấn về cách viết đơn khởi kiện Dân sự đúng hình thức, đầy đủ về nội dung. Mọi thắc mắc có thể liên hệ qua Hotline để được Luật sư tư vấn cụ thể và chi tiết. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết./.
Có thể bạn quan tâm
Bài viết nói về: Hướng dẫn cách viết đơn khởi kiện đúng luật
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng
March 23, 2020 at 10:00AM
0 comments
Đăng nhận xét