Việc quay phim, ghi hình cảnh sát giao thông (CSGT) làm việc là quyền của dân. Đảm bảo cho người dân thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Để thực hiện việc quay phim, ghi hình như thế nào là “đúng luật”? Công ty Luật Long Phan PMT sẽ tư vấn qua bài viết sau.
1. Quy định về quay phim, ghi hình khi cảnh sát giao thông làm việc
Hiện nay, không có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim chụp ảnh các lực lượng chức năng, công chức đang làm việc và nguyên tắc chung là công dân được làm tất cả những gì luật không cấm.
Theo đó, việc quay phim, ghi hình cảnh sát giao thông làm việc không cấm, tuy nhiên chưa được hướng dẫn cụ thể, nên dễ gây nhầm lẫn là không được thực hiện.
Như vậy, nếu tại trụ sở công an, cảnh sát giao thông và các lực lượng khác đang làm nhiệm vụ không cắm biển “khu vực cấm”, “cấm quay phim chụp ảnh”, v.v.., hay không liên quan đến bí mật Quốc gia, thì công dân có quyền quay phim chụp ảnh.
Việc quay phim chụp ảnh các lực lượng chức năng, công chức, ở đây là cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ không phải là ghi hình ảnh riêng tư của cá nhân mà là ghi hình ảnh công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng, và việc đó hoàn toàn có thể coi là một loại hình thức giám sát.
Công dân có quyền giám sát này theo Luật Công an Nhân dân và Luật Cán bộ công chức.
Khoản 3 Điều 5 Luật Công an Nhân dân: “Hoạt động của Công an nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Khoản 3 Điều 8 Luật Cán bộ công chức quy định về Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân: “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân”.
2. Quyền giám sát của người dân khi cảnh sát giao thông làm việc
Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA, Nhân dân được giám sát Công an nhân dân thông qua 05 hình thức giám sát gồm:
- Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng;
- Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;
- Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ;
- Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
- Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Như vậy, người dân được phép “ghi âm”, “ghi hình” cảnh sát giao thông nhưng phải đảm bảo đủ 03 điều kiện:
- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;
- Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
- Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan…
3. Khiếu nại khi bị ngăn cản quyền giám sát
Khi có căn cứ khi bị ngăn cản quyền giám sát của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã có hành vi hành chính;
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần 2 đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày biết được hành vi hành chính.
4. Khởi kiện hành chính đối với việc ngăn cấm quay phim, ghi hình
Hồ sơ khởi kiện cần có:
- Đơn khởi kiện;
- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện;
- Chứng cứ chứng minh về hành vi hành chính bị khiếu kiện và tất cả các quyết định có liên quan;
- Bản chính Quyết định giải quyết khiếu nại hoặc chứng cứ chứng minh việc đã khiếu nại;
- Giấy uỷ quyền (nếu người khởi kiện cử người đại diện).
- Bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân (có thị thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền);
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ bản chính, bản sao).
- Người khởi kiện phải nộp 02 bộ hồ sơ khởi kiện để Tòa án thông báo việc khiếu kiện cho người bị kiện.
Thủ tục khởi kiện đối với việc ngăn cấm quay phim, chụp hình
- Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi qua bưu điện.
- Xử lý đơn khởi kiện vụ án hành chính:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện, tài liệu thì xem xét và thực hiện một trong các thủ tục sau đây :
- Yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện nếu Đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định nêu trên trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án và tiến hành thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp trả lại Đơn khởi kiện.
- Nộp tạm ứng án phí:
Người khởi kiện phải nộp số tiền nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí của Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí
- Thụ lý vụ án hành chính:
Sau khi nhận được biên lai nộp tạm ứng án phí đã nộp trong thời hạn quy định thì Tòa án thụ lý vụ án và giải quyết.
- Kết quả giải quyết vụ án hành chính :
- Bản án hành chính sơ thẩm nếu vụ việc được đưa ra xét xử.
- Quyết định đình chỉ vụ án nếu thuộc các trường hợp đình chỉ vụ án.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về nội dung trên, trường hợp bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu được tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ. Xin cảm ơn./.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Quay phim, ghi hình khi cảnh sát giao thông làm việc như thế nào là đúng luật?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Hà Ngọc Tuyền
March 16, 2020 at 07:00AM
0 comments
Đăng nhận xét