Con vợ trước vợ sau chồng trước chồng sau là mối quan hệ phức tạp dễ dẫn ra tranh chấp thừa kế di sản của cha/mẹ để lại. Trong trường hợp cha/mẹ chết nhưng không để lại di chúc thì lại càng phức tạp hơn trong việc phân chia di sản thừa kế. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi làm rõ về việc giải quyết các tranh chấp thừa kế của con vợ trước vợ sau chồng trước chồng sau.
1. Con vợ trước – vợ sau, chồng trước – chồng sau là gì?
Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, con chung của vợ chồng là:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Hiểu một cách đơn giản thì con riêng của chồng/vợ trước là con của họ với vợ/chồng trước, có trước so với quan hệ hôn nhân của vợ/chồng hiện tại. Cả hai quan hệ vợ chồng trước, sau đều được pháp luật công nhận, con vợ trước vợ sau chồng trước chồng sau thì đều là con được pháp luật công nhận và bảo vệ.
2. Tranh chấp thừa kế của con vợ trước, chồng trước và sau
2.1 Cha/mẹ có để lại di chúc
Nếu người cha/mẹ để lại di chúc thì sẽ thực hiện theo di chúc.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (viết tắt là BLDS 2015) thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Nếu di chúc của cha/mẹ là di chúc hợp pháp ghi nhận việc để lại tài sản cho các con của mình thì các con vẫn được nhận phần THỪA KẾ này không phân biệt con vợ trước hay vợ sau, chồng trước hay chồng sau.
Tuy nhiên, những người con này phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết thì mới trở thành người thừa kế theo quy định tại Điều 613 BLDS 2015.
Trên thực tế, không phải trong mọi trường hợp nội dung di chúc đều được thực hiện một cách chính xác (dù di chúc để lại là hợp pháp). Pháp luật vẫn quy định về cơ chế người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, đây là ngoại lệ được quy định tại Điều 644 BLDS 2015, bao gồm:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Những chủ thể trên vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó.
Lúc này, phải xác định tất cả những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất còn sống tại thời điểm người để lại di sản chết để chia thành những phần thừa kế bằng nhau (không xem xét đến yếu tố từ chối nhận di sản, bị truất quyền thừa kế hoặc trường hợp người không có quyền hưởng di sản).
2.2 Cha/mẹ không để lại di chúc
Nếu không để lại di chúc thì sẽ thực hiện chia di sản theo pháp luật cho những người thừa kế hợp pháp. Khi đó, vấn đề về hàng thừa kế được đặt ra. Điều 651 BLDS 2015 quy định, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Di sản được chia lần lượt là hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai, sau cùng là hàng thừa kế thứ ba. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Ngoài ra, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế của con vợ trước vợ sau chồng trước chồng sau
3.1 Phương thức giải quyết tranh chấp
Tranh chấp thừa kế của con vợ trước, vợ sau, chồng trước, chồng sau là một tranh chấp dân sự do đó, luôn ưu tiên giải quyết bằng con đường:
- Thương lượng,
- Hòa giải.
Trong trường hợp không thể thương lượng được, các bên có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bản thân.
3.2 Thời hiệu khởi kiện
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 thì thời hiệu, để người thừa kế yêu cầu chia di sản là:
- 30 năm đối với bất động sản,
- 10 năm đối với động sản,
- Thời điểm được tính kể từ thời điểm mở thừa kế.
Các bên chỉ được yêu cầu giải quyết tranh chấp trong phạm vi thời hiệu, khi thời hiệu đã kết thúc thì các bên không còn quyền khởi kiện.
3.3 Thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Giải quyết tranh chấp thừa kế của con vợ trước vợ sau chồng trước chồng sau là tranh chấp về thừa kế tài sản.
Căn cứ vào quy định tại Khoản 5 Điều 26 và điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (viết tắt là BLTTDS 2015) thì đây là tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện. Tùy theo từng vụ việc cụ thể mà “Tòa” án cấp huyện nơi giải quyết tranh chấp sẽ khác nhau trên cơ sở Điều 39, 40 BLTTDS 2015.
3.4 Trình tự giải quyết
- Người có quyền khởi kiện gửi đơn khởi kiện
- Sau khi xem xét đơn khởi kiện, nếu đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán được phân công sẽ gửi người khởi kiện thông báo đóng tạm ứng án phí giải quyết vụ án.
- Khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán thụ lý vụ án.
Trong trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc hay vấn đề nào chưa rõ về chủ đề trên, xin hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được tư vấn miễn phí.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Tranh chấp thừa kế của con vợ trước, chồng trước và sau
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng
January 19, 2020 at 01:00PM
0 comments
Đăng nhận xét