Tài sản chung là nhà đất của hộ gia đình được quy định trong Luật Đất đI 2013 và quyền quyền sở hữu chung này được pháp luật công nhận và bảo vệ. Tuy nhiên hiện nay vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc các thành viên trong hộ gia đình có tranh chấp về phân chia tài sản chung, đặc biệt là nhà đất. Như vậy thủ tục khởi kiện chia tài sản chung được tiến hành như thế nào? Mời quý bạn đọc tham khảo qua bài viết sau.
1. Tài sản chung của hộ gia đình là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
2. Nhà đất đứng tên hộ gia đình được xác định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1, Điều 5 của Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BTNMT tại trang 1 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:
- Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
- Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
- Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
- Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó
3. Xử lý tài sản chung là nhà đất của hộ gia đình
- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức THỎA THUẬN.
- Trường hợp định đoạt tài sản là “bất động sản”, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của BLDS 2015.
- Hơn nữa, hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư (khoản 2 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
4. Tòa án nào có thẩm quyền thụ lý giải quyết?
- Tranh chấp nhà đất thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án (khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
- Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết.
- Tòa án nơi có nhà đất đang tranh chấp (điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
5. Hồ sơ khởi kiện gồm những gì?
Khi tiến hành KHỞI KIỆN cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
- Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu;
- Mẫu đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung là nhà đất
- Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện: Đối với các tranh chấp liên quan đến yêu cầu chia tài sản chung là nhà đất, tài liệu, chứng cứ kèm theo được xác định có thể là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thỏa thuận phân chia nhà đất của các thành viên trong hộ gia đình,…
6. Trình tự, thủ tục khởi kiện
- Nộp đơn khởi kiện kèm theo các TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết thông qua phương thức nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi theo đường dịch vụ bưu chính.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán tiến hành xem xét đơn khởi kiện và ra một trong số các quyết định như yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; thụ lý vụ án; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa có thẩm quyền; trả lại đơn khởi kiện và nêu rõ lý do.
- Sau khi vụ án được thụ lý, Tòa án phải tiến hành quá trình chuẩn bị xét xử trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày thụ lý. Nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn không quá 02 tháng.
- Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu chứng cứ mà các bên đương sự cung cấp hoặc do tự mình thu thập, Thẩm phán sẽ mở phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục luật định.
- Trường hợp không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án, đương sự có thể kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.
Nếu Quý bạn đọc có bất cứ thắc mắc về bài viết trên hoặc cần sự hỗ trợ liên quan đến thủ tục khởi kiện tại Tòa án, hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được tư vấn kịp thời. Trân trọng!
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Thủ tục khởi kiện chia tài sản chung là nhà đất của hộ gia đình
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng
January 27, 2020 at 10:00AM
0 comments
Đăng nhận xét