Thủ tục đòi lại đất đã góp vốn vào công ty như thế nào?

No Comments

Đòi lại đất đã góp vốn vào công ty là một việc rất phức tạp vì đất đã là tài sản của công ty. Trình tự, thủ tục thực hiện được quy định thế nào? Công ty Luật Long Phan PMT sẽ tư vấn nội dung trên qua bài viết sau.

Thu tuc doi lai dat khi da gop vao cong ty
Đất đã góp vốn vào công ty

1. Quy định việc góp vốn vào công ty

Quy định chung khi góp vốn

  • Khoản 13 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 GÓP VỐN là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
  • Tài sản góp vốn vào công ty có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất… (khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
  • Đối với tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điểm a khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
  • Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định điều kiện để thực hiện quyền của người sử dụng đất trong đó có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cụ thể như sau:
  1. Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
  2. Đất không có “tranh chấp”;
  3. Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  4. Trong thời hạn sử dụng đất.

Trình tự góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào công ty

cac buoc gop von bang quyen su dung dat vao cong ty
Cách thức góp vốn vào công ty bằng quyền sử dụng đất
  1. Định giá tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất (Điều 37 Luật doanh nghiệp 2014)
  2. Tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất phải được các thành viên công ty định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá.
  3. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên công ty chấp thuận.
  4. Việc định giá phải được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
  5. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất cho công ty
  6. Lập Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất
  7. Công chứng, chứng thực Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất bắt buộc phải công chứng theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013.
  8. Thực hiện đăng ký biến động đất đai

Người thực hiện việc “góp vốn” chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và nộp tại văn phòng đăng ký đất đai thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thuộc sở tài nguyên môi trường (Khoản 3 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT) gồm:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
  • Hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất
  • Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý việc góp vốn
  • Trích lục bản đồ địa chính
  • Văn bản ủy quyền công chứng chứng thực (nếu có)

Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện nhiệm vụ của mình để xử lý hồ sơ:

  • Có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ;
  • Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
  • Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người chủ sử dụng đất (Công ty nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất).

Thời gian giải quyết: 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Thủ tục chấm dứt việc góp vốn như thế nào?

Chấm dứt việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất

rut von da gop la quyen su dung dat ra khoi cong ty
Chấm dứt việc góp vốn quyền sử dụng đất

Khoản 3 Điều 80 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định các trường hợp chấm dứt bao gồm:

  • Việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất chấm dứt trong những trường hợp sau:
  • Hết thời hạn góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;
  • Do đề nghị của một bên hoặc các bên; trường hợp liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
  • Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về đất đai;
  • Do bị tuyên bố phá sản;
  • Do giải thể doanh nghiệp;
  • Cá nhân giao kết hợp đồng góp vốn chết, pháp nhân hoặc các chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng góp vốn phải do cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể đó thực hiện.

Chấm dứt vốn góp bằng quyền sử dụng đất

Một trong các bên hoặc các bên ký hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ xóa đăng ký góp vốn quyền sử dụng đất. Bao gồm:

  • Văn bản thanh lý hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất có xác nhận đã được thanh lý hợp đồng;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
  • Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau:
  • Xác nhận việc xóa góp vốn vào Giấy chứng nhận theo quy định và trao cho bên cho thuê, cho thuê lại, bên góp vốn.
  • Trường hợp góp vốn quyền sử dụng đất mà đã cấp Giấy chứng nhận cho bên nhận góp vốn thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; bên nhận góp vốn được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
  • Trường hợp thời hạn sử dụng đất kết thúc cùng với thời điểm xóa góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng đất thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp;
  • Thực hiện việc xóa góp vốn vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

3.  Thủ tục khởi kiện đòi lại đất đã góp vốn vào công ty

thu tuc yeu cau tra lai dat da gop von vao cong ty
Khởi kiện đòi lại đất đã góp vốn vào công ty

Thẩm quyền của Tòa án

Khi các bên phát sinh tranh chấp, không thống nhất về nội dung chấm dứt góp vốn và lấy lại đất, Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều  35, điểm  a  khoản 1 Điều  39  Bộ luật  tố tụng  dân  sự 2015  thì  tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú.

Hồ sơ khởi kiện

Hồ sơ khởi kiện đòi lại đất đã góp vốn vào công ty bao gồm:

  • Đơn khởi kiện;
  • Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất đã thanh lý, hoặc hợp đồng góp vốn có xác nhận đã được thanh lý hợp đồng;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Các tài liệu, chứng cứ kèm theo khác (nếu có);
  • Giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu,..)

Thủ tục khởi kiện

  1. Nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án, trong thời hạn 03 ngày làm việc Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.
  2. Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án khi hồ sơ hợp lệ, và tiến hành thủ tục cần thiết  để chuẩn bị xét xử.
  3. Xét xử sơ thẩm
  4. Xét xử phúc thẩm (nếu có)

Trường hợp quý bạn đọc có thắc mắc hoặc cần được tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ. Xin cảm ơn./.

Bài viết nói về: Thủ tục đòi lại đất đã góp vốn vào công ty như thế nào?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Võ Thiện Hiển



January 28, 2020 at 01:00PM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps