Quyền dân sự là khả năng được phép xử sự theo ý chí tự do trong khuôn khổ pháp luật của chủ thể trong quan hệ dân sự, phát sinh trong lĩnh vực dân sự để đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của chính chủ thể. Quyền dân sự là quyền hiến định, đã được Hiến pháp ghi nhận và Nhà nước Việt Nam bảo hộ. Trên thực tế, không ít trong chúng ta chưa thực sự am hiểu và nắm bắt được quyền dân sự và sử dụng nó như thế nào. Do vậy, qua bài viết dưới đây chúng tôi sẽ làm rõ nội dung về quyền dân sự và khuyến nghị khi nào cần đến Luật sư tư vấn bảo vệ quyền lợi?
1. Quyền dân sự và căn cứ xác lập quyền dân sự
Như đã đề cập, quyền dân sự là khả năng xử sự theo ý chí tự do của chủ thể nhằm đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, không phải xử sự nào cũng phù hợp với quy định của pháp luật, mà quyền dân sự được xác lập trên căn cứ được quy định tại Điều 8 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
- Hợp đồng, là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
- Hành vi pháp lý đơn phương, là sự thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền về dân sự.
- Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác, là những quyết định được ban hành bởi những cơ quan nhà nước, đại diện cho ý toàn dân buộc chủ thể khác phải chấp hành quyết định ấy theo quy định.
- Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, về nguyên tắc người lao động bỏ sức lực của bản thân mình sẽ được hưởng chính thành quả lao động ấy và được Nhà nước bảo hộ.
- Chiếm hữu tài sản, là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản như thể họ có quyền thực sự đối với tài sản ấy.
- Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
- Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật, người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ và kịp thời, bao gồm bồi thường trong hợp đồng và ngoài hợp đồng.
- Thực hiện công việc không có ủy quyền và căn cứ khác theo quy định.
2. Cơ chế bảo vệ quyền dân sự hiện nay
Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì trước hết chủ thể đó có quyền “tự bảo vệ” theo quy định của pháp luật. Việc bảo vệ quyền dân sự không phải thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên việc ngăn căn của chủ thể phải đảm bảo tính cần thiết, phù hợp, không được vượt quá so với tính chất, hậu quả của sự xâm phạm ấy. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể bị xâm phạm có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền dân sự bằng cách:
- Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình, khi quyền này đang bị đe dọa hay đang xảy ra tranh chấp.
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, đây là biện pháp được áp dụng để bảo vệ quyền sở hữu, quyền nhân thân khi việc thực hiện quyền đó bị cản trở, dẫn đến hoặc có khả năng gây ra thiệt hại.
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai, đây là biện pháp bảo vệ quyền nhân thân như bảo vệ đối với họ tên, danh dự, nhân phẩm và uy tín.
- Buộc thực hiện nghĩa vụ, là biện pháp được áp dụng trong trường hợp người có nghĩa vụ phải thực hiện một hay nhiều hành vi pháp lý nhất định trong quan hệ với người có quyền nhưng không thực hiện nghĩa vụ đó.
- Buộc bồi thường thiệt hại, đây là một biện pháp khá phổ biến để bảo vệ quyền dân sự được thực hiện trong trường hợp thực tế có thiệt hại xảy ra. Bởi biện pháp này bù đắp phần nào về tổn thất tài sản, tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu.
- Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, phương thức này là một điểm mới có ý nghĩa quan trọng so với Bộ luật dân sự cũ. Bởi không phải trường hợp nào cơ quan có thẩm quyền thực thi nhiệm vụ, quyền hạn công vụ nhân danh nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, xâm phạm quyền và lợi ích của công dân, vì vậy họ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyên hủy quyết định cá biệt trái pháp luật.
- Yêu cầu khác theo quy định của luật.
3. Cơ chế bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền
Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015 , việc bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền được quy định như sau:
Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.
4. Tầm quan trọng của việc am hiểu pháp luật dân sự và vai trò của Luật sư
Ở mọi thời kỳ và bất kỳ quốc gia nào thì sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống nhân dân ổn định phải cần quản lý đất nước bằng luật pháp. Trong đó, Bộ luật Dân sự đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được xem là ngành luật tư điều chỉnh mọi quan hệ dân sự trong đời sống xã hội. Bởi nó quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, vì lĩnh vực dân sự rất rộng lớn. Do đó, mọi người nên cần đến sự tư vấn của những chuyên gia pháp lý mà kể đến là Luật sư. Bởi Luật sư là những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật, có cả kiến thức chuyên môn sâu rộng mà am hiểu pháp luật THỰC TIỄN. Vì vậy, Luật sư sẽ cung cấp những dịch vụ pháp lý hiệu quả, giúp mọi người bảo vệ được quyền dân sự của mình và sử dụng nó phù hợp với quy định của pháp luật.
Quyền dân sự là khả năng xử sự theo ý chí tự do của chủ thể nhằm đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, quyền dân sự chỉ được xác lập khi được quy định trong Bộ luật dân sự. Khi cá nhân, tổ chức bị xâm phạm có thể sử dụng các phương thức bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung tư vấn về các vấn đề pháp luật liên quan đến quyền dân sự và sự tham gia của Luật sư trong việc bảo vệ quyền lợi này. Trường hợp Quý bạn đọc có bất cứ thắc mắc về nội dung bài viết hay cần hỗ trợ pháp luật, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!
Bài viết nói về: Quyền dân sự là gì? Khi nào cần đến Luật sư tư vấn pháp luật dân sự?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng
January 08, 2020 at 01:00PM
0 comments
Đăng nhận xét