Tranh chấp hợp đồng thuê nhà xưởng là một trong những tranh chấp thường xuyên xảy ra trong lĩnh vực hợp đồng. Hợp đồng thuê nhà xưởng tuy bản chất là một dạng của hợp đồng thuê tài sản. Nhưng loại hợp đồng này vẫn có một số khác biệt mà các hợp đồng khác không có. Do vậy mà các tranh chấp về loại hợp đồng này cũng là một trong những vấn đề cần lưu tâm. Vậy, giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà xưởng như thế nào? Hãy cùng làm rõ hơn tại bài viết dưới đây.
1. Hợp đồng thuê nhà xưởng là gì?
Thực chất, hợp đồng thuê nhà xưởng là một dạng của hợp đồng thuê tài sản được quy định tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015. Dựa trên tinh thần của điều luật này, có thể đưa ra khái niệm hợp đồng thuê nhà xưởng là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao nhà xưởng cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải “trả tiền” thuê cho bên cho thuê.
2. Nội dung của hợp đồng thuê nhà xưởng
1. Hợp đồng phải được ký dựa trên sự thỏa thuận và không vi phạm điều cấm của pháp luật, không thuộc các trường hợp bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép theo Bộ luật Dân sự.
2. Về đối tượng cho thuê.
Việc thuê nhà xưởng là một hình thức của kinh doanh bất động sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản (Luật KDBĐS) 2014. Do vậy, để nhà xưởng được đưa vào cho thuê thì phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 9 Luật KDBĐS, cụ thể:
- Có đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất.
- Đối với nhà, công trình xây dựng có sẵn trong dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thì chỉ cần có Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất;
- Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Và phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013.
3. Về chủ thể cho thuê nhà xưởng (Điều 10 Luật KDBĐS).
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng.
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.
4. Về chủ thể thuê nhà xưởng: là những cá nhân, tổ chức có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.
5. Về giá cả và phương thức thanh toán.
Giá cho thuê, cho thuê mua bất động sản do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng. Trường hợp Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó (Điều 15 Luật KDBĐS).
6. Hợp đồng thuê nhà xưởng phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực do các bên thỏa thuận. Riêng đối với trường hợp hợp đồng thuê nhà xưởng mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Luật KDBĐS thì phải công chứng hoặc chứng thực (khoản 2 Điều 17 Luật KDBĐS).
3. Xây dựng, sửa chữa, bảo trì nhà xưởng đang thuê được pháp luật quy định như thế nào?
Hợp đồng thuê nhà xưởng bản chất là một loại hợp đồng song vụ. Theo đó, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia. Căn cứ Điều 27, Điều 28 Luật KDBĐS quy định bên cho thuê có nghĩa vụ bảo trì, sửa chữa nhà, công trình xây dựng theo định kỳ hoặc theo thỏa thuận; nếu bên cho thuê không bảo trì, sửa chữa nhà, công trình xây dựng mà gây thiệt hại cho bên thuê thì phải bồi thường.
Ngược lại, bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê sửa chữa nhà, công trình xây dựng khi bị hỏng mà không phải do lỗi của bên thuê gây ra. Bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên cho thuê không sửa chữa nhà khi hư hỏng nặng (Khoản 3 Điều 132 Luật Nhà ở 2014).
4. Các tranh chấp hợp đồng thuê nhà xưởng thường gặp
- Tranh chấp hợp đồng thuê nhà xưởng
- Tranh chấp về nghĩa vụ sửa chữa, bảo trì, nâng cấp nhà xưởng
- Tranh chấp tiền thuê, thời hạn thuê
- Tranh chấp về cho thuê lại
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại khi các bên chấm dứt hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng
- Các tranh chấp khác liên quan đến hợp đồng thuê nhà xưởng.
5. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà xưởng
Để giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà xưởng, có thể tham khảo hướng dẫn sau đây:
- Khi bên thuê hoặc bên cho thuê bị xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp. Trường hợp nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định tại Điều 177 BLDS 2015 về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
- Ngoài việc chấm dứt hợp đồng bằng các cách trên, các bên có thể yêu cầu bên vi phạm hợp đồng phạt vi phạm theo thỏa thuận của hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại và đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp cần lưu ý:
- Về THẨM QUYỀN giải quyết: Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản (nhà xưởng) theo quy định tại Điều 35, Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015.
- Hồ sơ khởi kiện phải đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015.
- Về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án cũng được hướng dẫn cụ thể trong BLTTDS 2015. Cụ thể là sau khi nộp Đơn khởi kiện, Tòa án sẽ xem xét và thụ lý Đơn khởi kiện, sau đó cần tiến hành nộp tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tạm ứng án phí.
- Lúc này, Tòa án sẽ tiến hành giai đoạn chuẩn bị xét xử (họp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải,…). Khi Tòa án Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và có Bản án, nếu các bên không đồng ý với Bản án thì có quyền nộp đơn kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Trên đây là phần trình bày về các vấn đề có liên quan đến tranh chấp hợp đồng thuê nhà xưởng. Trong trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc hay có vấn đề gì chưa rõ, đừng ngần ngại liên hệ ngay với Công ty Luật Long Phan PMT để được hỗ trợ và tư vấn.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà xưởng
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng
January 20, 2020 at 07:00AM
0 comments
Đăng nhận xét