Để nhận di sản là đất đai từ cha mẹ nuôi cần thực hiện thủ tục gì? Công ty Luật Long Phan PMT sẽ tư vấn thủ tục nhận di sản là đất đai từ cha mẹ nuôi qua bài viết sau.
1. Quyền lợi của con nuôi theo quy định pháp luật
Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.
Theo đó, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định, kể từ ngày được nhận làm con nuôi thì:
- Quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con
- Quan hệ giữa con nuôi và các thành viên khác trong gia đình của cha mẹ nuôi cũng có các quyền và nghĩa vụ với nhau theo quy định của pháp luật
- Cha mẹ nuôi có quyền quyết định thay đổi họ, tên của con nuôi trừ khi con nuôi từ đủ 09 tuổi thì phải hỏi ý kiến của người đó
- Cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với người đã được cho làm con nuôi trừ khi có thỏa thuận khác
Như vậy, theo quy định pháp luật quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi cũng có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con.
2. Con nuôi có được nhận di sản từ cha mẹ nuôi không?
Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản của người chết để lại được gọi là di sản.
Trường hợp cha mẹ nuôi chết không để lại di chúc
- Cha mẹ nuôi sau khi chết mà không có di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật.
- Theo đó, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế tại hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết được ưu tiên hưởng thừa kế.
- Như vậy, con nuôi là hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ nuôi được ưu tiên hưởng thừa kế, cho nên con nuôi được nhận di sản từ cha mẹ nuôi sau khi chết để lại. Trừ trường hợp pháp luật quy định khác
Trường hợp cha mẹ nuôi chết để lại di chúc
- Nếu trong di chúc của cha mẹ nuôi có để lại di sản cho người con đã được nhận nuôi thì người này hoàn toàn được hưởng phần di sản do cha mẹ nuôi để lại. Bởi để lại di sản cho ai là quyền của người lập di chúc theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015.
- Con nuôi không được nhận thừa kế thuộc trường hợp thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc.
3. Thủ tục khai nhận di sản tại văn phòng công chứng
Căn cứ theo khoản 1 Điều 58 Luật Công chứng 2014 hướng dẫn thủ tục công chứng, chứng thực việc thực hiện thủ tục khai nhận di sản được áp dụng đối với trường hợp:
- Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật;
- Những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó.
Hồ sơ thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế
- Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
- Giấy chứng tử của người để lại di sản;
- Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Di chúc (nếu có)
- Giấy tờ về nhân thân của người thừa kế: CMND, hộ khẩu;
Thủ tục tiến hành khai nhận di sản thừa kế
- Nộp hồ sơ đã chuẩn bị đến cơ quan thực hiện việc công chứng
- Cơ quan công chứng tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ hợp lệ hay không và tiến hành thụ lý công chứng theo quy định.
- Tiến hành xử lý và giải quyết
- Cơ quan công chứng tiếp nhận hồ sơ và xử lý theo quy định pháp luật.
- Việc thụ lý phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.
- Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản;
- Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
- Trường hợp là bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
- Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế.
- Cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế và trả hồ sơ.
4. Thủ tục đăng ký biến động chủ quyền nhà đất do nhận thừa kế
Sau khi công chứng văn bản thừa kế, người được hưởng di sản thực hiện thủ tục ĐĂNG KÝ QUYỀN TÀI SẢN tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, đã được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT thì thành phần hồ sơ đăng ký biến động gồm có:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
- Trong trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì tích vào mục tương ứng tại mẫu đơn theo hướng dẫn.
- Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp ban đầu của người để lại di sản.
5. Chi phí tiến hành thủ tục nhận di sản từ cha mẹ nuôi
Chi phí tiến hành thủ tục khai nhận di sản bao gồm:
Phí công chứng: Căn cứ thu và mức thu phí được quy định tại Thông tư số 08/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 19/01/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng.
- Thù lao công chứng (theo Điều 67 Luật công chứng):
- Chi phí khác (Điều 68 Luật công chứng)
Phí đăng ký biến động chủ quyền nhà đất do nhận thừa kế: Thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ được miễn khi đăng ký biến động do nhận thừa kế từ cha, mẹ nuôi, phí khác khi làm thủ tục đăng ký sang tên tại cơ quan nhà đất:
Trên đây là bài viết “Thủ tục nhận di sản là đất đai từ cha mẹ nuôi”. Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ. Xin cảm ơn./.
Bài viết nói về: Thủ tục nhận di sản là đất đai từ cha mẹ nuôi
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng
January 06, 2020 at 10:00AM
0 comments
Đăng nhận xét