Hướng dẫn thủ tục đăng ký nhà đất theo di chúc

No Comments

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân, tổ chức có quyền tự do định đoạt đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình nếu không vi phạm điều cấm của luật hay trái đạo đức xã hội. Lập di chúc định đoạt nhà đất của mình trước khi chết là quyền của cá nhân được ghi nhận tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015. Sau khi người để lại di chúc chết, di chúc hợp pháp phát sinh hiệu lực, những người được hưởng di sản là nhà đất theo di chúc phải thực hiện thủ tục đăng ký Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký đất đai.

trinh tu, thu tuc dang ky nha dat duoc thua ke theo di chuc
Thủ tục nhận thừa kế di sản là nhà đất theo di chúc

1.Vấn đề về thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành

Hiện nay, việc thừa kế được chia làm 02 loại: Thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Dù thừa kế theo loại nào thì thời điểm mở thừa kế được pháp luật ghi nhận là thời điểm người có tài sản chết.

1.1 Thừa kế theo pháp luật

Theo đó, Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Căn cứ vào khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong các trường hợp:

  • Không có di chúc;
  • Di chúc không hợp pháp;
  • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được đặt ra áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

1.2 Thừa kế theo di chúc

Thừa kế theo di chúc là thừa kế theo ý chí của của người để lại di sản được ghi nhận trong di chúc. Hiện nay, có 02 loại di chúc đó là:

  • Di chúc bằng văn bản;
  • Di chúc miệng.

Về nguyên tắc di chúc phải được thể hiện bằng văn bản, tuy nhiên, trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Một di chúc hợp pháp trước hết phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
  • Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Lưu ý: Đối với từng trường hợp sẽ có quy định bắt buộc riêng để đảm bảo hiệu lực của di chúc:

  • Di chúc do người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
  • di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
  • Riêng đối với di chúc miệng, người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Để có thể tiến hành thủ tục đăng ký nhà đất theo di chúc thì người thừa kế phải hoàn tất việc khai nhận di sản

2. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế là nhà đất theo di chúc

Van ban khai nhan thua ke nha dat theo di chuc
Văn bản khai nhận thừa kế nhà đất theo di chúc phải được công chứng

Đối với những tài sản pháp luật bắt buộc phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì những người được hưởng thừa kế phải thực hiện các thủ tục khai nhận và đăng ký để được xác lập quyền sở hữu của mình.

Việc khai nhận di sản thừa kế được thực hiện tại Văn phòng công chứng. Đặc thù đối với tài sản là bất động sản thì phải tiến hành tại Văn phòng công chứng nơi có bất động sản.

2.1 Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế theo di chúc bao gồm

Hồ sơ thừa kế bao gồm những giấy tờ sau:

  • Các giấy tờ chứng minh nhân thân của người được hưởng di sản theo di chúc như CMND, giấy khai sinh, hộ khẩu;
  • Di chúc;
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản;
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là di sản người để lại di chúc;
  • Các giấy tờ khác có liên quan.

2.2 Thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Quy trình thực hiện thủ tục KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ theo di chúc được quy định cụ thể tại Điều 57, 58 Luật Công chứng 2014, cụ thể:

  1. Người yêu cầu khai nhận di sản nhà đất nộp những hồ sơ đã liệt kê ở trên cho Công chứng viên.
  2. Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có nhà đất. Thủ tục niêm yết được quy định tại Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP.
  3. Sau 15 ngày niêm yết, không có tranh chấp, khiêu nại, khiếu kiện thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế.

3. Thủ tục đăng ký nhà đất theo di chúc

Cac buoc de dang ky nha dat theo quy dinh cua phap luat
Người nhận thừa kế nhà đất phải đăng ký tại Cơ quan có thẩm quyền và thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có)

Sau khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản ở Văn phòng công chứng, những người thừa kế sẽ tiến hành thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (hay còn gọi là “sổ đỏ”) tại cơ quan đăng ký đất đai.

3.1 Hồ sơ đăng ký bao gồm

  • Các giấy tờ chứng minh nhân thân của người được hưởng di sản theo di chúc như CMND, giấy khai sinh, hộ khẩu;
  • Giấy chứng tử của người để lại di chúc;
  • Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Các giấy tờ về thừa kế như: Di chúc, Văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (có công chứng);
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của người để lại di sản;
  • Tờ khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà đất;
  • Các giấy tờ liên quan khác.

3.2 Thủ tục đăng ký nhà đất thừa kế theo di chúc

  1. Bên nhận thừa kế nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký đất đai nơi có đất
  2. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa đầy đủ. Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
  3. Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý đất đai gửi thông báo cho người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tại chính (trừ trường hợp được miễn hoặc không phải thực hiện)
  4. Cơ quan đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người thừa kế sau khi người thừa kế thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Thời gian thực hiện là tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi hướng dẫn về thủ tục đăng ký nhà đất theo di chúc. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý bạn đọc muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT.

Bài viết nói về: Hướng dẫn thủ tục đăng ký nhà đất theo di chúc
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng



January 11, 2020 at 10:00AM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps