Chuyển đổi từ Doanh nghiệp tư nhân thành Công ty TNHH không khó. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách thực hiện việc chuyển đổi này. Do vậy, Công ty Luật Long Phan PMT chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc bài viết hướng dẫn chi tiết thủ tục chuyển đổi loại hình như trên.
1. Điều kiện để được chuyển sang loại hình trách nhiệm hữu hạn
Căn cứ theo Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2014, Doanh nghiệp tư nhân được phép chuyển đổi sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (viết tắt là: Cty TNHH) khi thỏa mãn các quy định của pháp luật như sau:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định của pháp luật;
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (gọi tắt: Cty TNHH MTV) do cá nhân làm chủ sở hữu) hoặc thành viên (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên);
- Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
2. Hồ sơ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Hồ sơ đăng ký chuyển đổi được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 25 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo BIỂU MẪU được đăng tải tại phụ lục đính kèm Nghị định hướng dẫn;
- Điều lệ công ty chuyển đổi theo quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp;
- Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế, thời hạn thanh toán; danh sách người lao động hiện có; danh sách các hợp đồng chưa thanh lý;
- Danh sách thành viên theo quy định tại Điều 26 Luật Doanh nghiệp đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty “trách nhiệm hữu hạn” hai thành viên trở lên;
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của các thành viên công ty đối với trường hợp thành viên là cá nhân;
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác đối với trường hợp thành viên công ty là tổ chức;
- Văn bản cam kết của chủ doanh nghiệp tư nhân về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
- Văn bản thỏa thuận với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó;
- Văn bản cam kết của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp tư nhân và các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
3. Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi, Công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Doanh nghiệp cử đại diện theo pháp luật hoặc thuê người bằng cách lập văn bản ủy quyền để thực hiện thủ tục chuyển đổi theo luật định.
- Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng phải tạo tài khoản và cập nhật đầy đủ thông tin của bản thân. Thời gian phê duyệt chấp thuận: Khoản 01 ngày – 03 ngày làm việc.
- Đăng tải toàn bộ hồ sơ xin CHUYỂN ĐỔI LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Sau khi hồ sơ hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo qua email người nộp hồ sơ. Người nộp hồ sơ tiến hành nộp hồ sơ bản gốc tại Phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả.
Thời gian giải quyết hồ sơ: 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ chuyển đổi hợp lệ.
4. Xử lý tài sản bảo đảm tại Ngân hàng sau khi chuyển đổi loại hình
Điều 14 Nghị định 163/2006/NĐ-CP có quy định việc xử lý tài sản bảo đảm sau khi Doanh nghiệp được tổ chức lại như sau:
- Các bên thỏa thuận về việc kế thừa, thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm và giao dịch bảo đảm trong quá trình tổ chức lại pháp nhân;
- Nếu không thoả thuận được thì bên nhận bảo đảm có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn;
Nếu không yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn thì giải quyết như sau:
- Trong trường hợp chia pháp nhân thì các pháp nhân mới phải liên đới thực hiện giao dịch bảo đảm;
- Trong trường hợp tách pháp nhân thì pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách phải liên đới thực hiện giao dịch bảo đảm;
- Trong trường hợp hợp nhất, sáp nhập thì pháp nhân hợp nhất, pháp nhân sáp nhập phải thực hiện giao dịch bảo đảm;
- Trong trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp, chuyển đổi công ty nhà nước thì doanh nghiệp được chuyển đổi phải thực hiện giao dịch bảo đảm.
Trên đây là bài hướng dẫn thủ tục chuyển đổi của Công ty chúng tôi. Trường hợp quý khách hàng có nhu cầu tư vấn và thực hiện thủ tục trên, Công ty Luật Long Phan PMT có cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục trọn gói. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, xin vui lòng gọi ngay hotline bên dưới để được hỗ trợ kịp thời và tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Thủ tục chuyển đổi Doanh nghiệp tư nhân thành Công ty TNHH
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Võ Thiện Hiển
January 30, 2020 at 10:00AM
0 comments
Đăng nhận xét