Chuyển đổi loại hình công ty chỉ được thực hiện trong các trường hợp pháp luật cho phép. Để thích ứng linh hoạt với môi trường kinh doanh hiện tại và nhu cầu phát triển mới của doanh nghiệp, trong một số trường hợp, doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khác. Có phải doanh nghiệp được tùy ý chuyển đổi theo loại hình khác không? Thực tế, pháp luật chỉ ghi nhận một số trường hợp được phép chuyển đổi. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về vấn đề này
1. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được hiểu là gì?
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có sự chuyển đổi pháp lý từ loại hình doanh nghiệp này sang loại hình doanh nghiệp khác.
Hiện nay, các phương thức chuyển đổi doanh nghiệp gồm:
- Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) thành công ty cổ phần;
- Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty TNHH một thành viên
- Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH ;
- Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Đối với trường hợp chuyển đổi của công ty TNHH và công ty cổ phần, công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.
2. Quy trình chung khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
- Công ty phải đăng ký việc chuyển đổi công ty với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Phòng Đăng ký doanh nghiệp cấp lại “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan; đồng thời cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần
Phương thức chuyển đổi
- Chuyển đổi mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;
- Chuyển đổi bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
- Chuyển đổi bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;
- Kết hợp phương thức trên.
Thành phần hồ sơ
Các GIẤY TỜ cần thiết được quy định tại Điều 25 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, cụ thể bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký (Theo mẫu tại Phụ lục I-4 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
- Điều lệ công ty chuyển đổi;
- Quyết định của chủ sở hữu công ty hoặc Quyết định và bản sao hợp lệ “biên bản” họp của Hội đồng thành viên về việc chuyển đổi công ty;
- Danh sách cổ đông sáng lập (Theo mẫu tại Phụ lục I-7 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT), danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (Theo mẫu tại Phụ lục I-8 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT) và bản sao hợp lệ các giấy tờ theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 và Khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp;
- Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận “góp vốn” đầu tư.
Lưu ý: Đối với doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần thì thực hiện theo quy định của pháp luật về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
4. Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty TNHH MTV
Phương thức chuyển đổi
- Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp tương ứng của tất cả các cổ đông còn lại;
- Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;
- Công ty chỉ còn lại một cổ đông trong thời gian vượt quá thời hạn yêu cầu số lượng tối thiểu công ty cổ phần theo quy định tại Điều 110 của Luật này.
Thành phần hồ sơ
- Giấy đề nghị đăng ký công ty TNHH một thành viên (Theo mẫu tại Phụ lục I-2, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
- Điều lệ công ty chuyển đổi;
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển đổi công ty;
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của người đại diện theo ủy quyền đối với công ty TNHH một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp;
- Danh sách người đại diện theo ủy quyền (theo mẫu tại Phụ lục I-10 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT) và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty TNHH một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp;
- Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức;
- Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư.
Điều kiện chuyển đổi
Việc chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn đầu tư bằng cổ phần, phần vốn góp phải thực hiện theo giá thị trường, giá được định theo phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu hoặc phương pháp khác.
5. Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty TNHH hai thành viên trở lên
Phương thức chuyển đổi
- Chuyển đổi mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;
- Chuyển đổi đồng thời với huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
- Chuyển đổi đồng thời với chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần của toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
- Chuyển đổi kết hợp các phương thức trên.
Thành phần hồ sơ
- Giấy đề nghị đăng ký công ty TNHH hai thành viên trở lên (Theo mẫu tại Phụ lục I-3 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
- Điều lệ công ty chuyển đổi;
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển đổi công ty;
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền đối với công ty TNHH một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên (Theo mẫu tại Phụ lục I-6 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT) và bản sao hợp lệ các giấy tờ theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 và Khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp;
- Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư.
6. Chuyển đổi DNTN thành công ty TNHH
Điều kiện để tiến hành chuyển đổi
- Có đủ các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu) hoặc thành viên (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên);
- Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng “toàn bộ tài sản” của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty TNHH được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Thành phần hồ sơ
- Giấy đề nghị đăng ký;
- Điều lệ công ty chuyển đổi;
- Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế, thời hạn thanh toán; danh sách người lao động hiện có; danh sách các hợp đồng chưa thanh lý;
- Danh sách thành viên; bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của các thành viên công ty đối với trường hợp thành viên là cá nhân; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác đối với trường hợp thành viên công ty là tổ chức;
- Văn bản cam kết của chủ doanh nghiệp tư nhân về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
- Văn bản thỏa thuận với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty TNHH được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó;
- Văn bản cam kết của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp tư nhân và các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Các trường hợp chuyển đổi công ty được luật cho phép hiện nay
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Võ Thiện Hiển
January 29, 2020 at 07:00AM
0 comments
Đăng nhận xét