Vốn điều lệ và vốn pháp định bản chất đều là vốn góp vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau nên thuộc tính pháp lý của chúng lại không hề giống nhau. Để hiểu cụ thể hơn về sự khác biệt của vốn điều lệ và vốn pháp định, kính mời quý bạn đọc theo dõi bài viết sau đây.
Vốn điều lệ là gì?
Theo điểm 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Vốn pháp định là gì?
Theo Luật doanh nghiệp 2005, vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để có thể thành lập một doanh nghiệp. Mức tối thiểu này sẽ do Cơ quan có thẩm quyền ấn định cụ thể và tùy vào từng ngành nghề doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh thì mức vốn này cũng sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2014 đã bỏ đi định nghĩa này để cho phù hợp với cam kết tự do hóa trong hoạt động kinh doanh. Dù vậy, nhưng đối với từng văn bản chuyên ngành cụ thể, mức vốn này vẫn được quy định cụ thể và xem như là điều kiện bắt buộc khi thành lập doanh nghiệp.
Những ngành nghề kinh doanh nào yêu cầu vốn pháp định ?
Tùy theo từng ngành nghề mà vốn pháp định yêu cầu cũng khác nhau. Sau đó là vốn pháp định của một số ngành nghề phổ biến:
- Kinh doanh bất động sản: 20 tỷ đồng ( Theo Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP);
- Kinh doanh cảng hàng không, sân bay: Từ 100 đến 1300 tỷ đồng ( Theo Điều 8 Nghị định 92/2016/NĐ-CP);
- Kinh doanh dịch vụ hàng không: 30 tỷ đồng (Theo Điều 17 Nghị định 92/2016/NĐ-CP);
- Kinh doanh hoạt động mua bán nợ: 100 tỷ đồng (Theo Điều 7 Nghị định 69/2016/NĐ-CP);
- Kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ: 500 tỷ đồng (Theo Điều 8 Nghị định 69/2016/NĐ-CP);
- Kinh doanh chứng khoán: 10 đến 165 tỷ đồng (Theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 86/2016/NĐ-CP);
- Kinh doanh bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng (Theo Nghị định 73/2016/NĐ-CP);
- …
Sự khác biệt cơ bản giữa vốn pháp định và vốn điều lệ là gì?
- Vốn pháp định được pháp luật quy định một con số cụ thể, còn vốn điều lệ phụ thuộc vào các thành viên góp vốn.
- Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện, vốn điều lệ phải lớn hơn hoặc bằng vốn pháp định.
- Đặc điểm của vốn điều lệ là tạo sự ràng buộc về trách nhiệm đối với toàn bộ thành viên, tương ứng với phần vốn góp của mình.
- Vốn điều lệ có thể tăng, giảm trong quá trình hoạt động, tùy thuộc vào quyết định của doanh nghiệp, còn vốn pháp định là một con số cụ thể và tối thiểu mà các thành viên phải góp.
Thủ tục tăng, giảm vốn điều lệ được quy định như thế nào ?
Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên, cổ đông của doanh nghiệp
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;
- Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư;
- Trường hợp giảm vốn điều lệ thì cần phải cung cấp Báo cáo tài chính của công ty tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ.
Trình tự thực hiện:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký đổi trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi.
- Trường hợp công ty đăng ký thay đổi tỷ lệ vốn góp, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.
- Trường hợp đăng ký thay đổi vốn điều lệ công ty, kèm theo Thông báo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Nghị định số 108/2018/NĐ-CP phải có các văn bản tương ứng được nêu tại mục Thành phần hồ sơ.
- Trường hợp giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn, kèm theo Thông báo phải bao gồm các văn bản tương ứng được nêu tại mục Thành phần hồ sơ.
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Đại diện pháp lý của doanh nghiệp hoặc đại diện ủy quyền tiến hành nộp hồ sơ qua mạng điện tử;
Bước 2: Trong vòng 3 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo đến người nộp hồ sơ;
Bước 3: Người nộp hồ sơ tiến hành nộp bản gốc của hồ sơ và nhận kết quả
Trên đây là toàn bộ bài viết về chủ đề “Vốn điều lệ và vốn pháp định được pháp luật phân định thế nào?”. Trường hợp quý khách hàng cần tư vấn hoặc giải đáp các vấn đề pháp lý liên quan đến Doanh nghiệp, xin vui lòng gọi ngay đến Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ tận tình. Xin cảm ơn
Bài viết nói về: Vốn điều lệ và vốn pháp định được pháp luật phân định thế nào? - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT
0 comments
Đăng nhận xét