Dịch vụ tư vấn thủ tục thành lập doanh nghiệp

No Comments

Ông bà xưa thường có câu “phi thương bất phú”, tức là muốn giàu có thì phải kinh doanh. Thành lập doanh nghiệp chính là bước khởi đầu vô cùng quan trọng của một quá trình kinh doanh. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp, vị trí địa lý thuận lợi, một cái tên đủ thu hút và thể hiện được tinh thần của người làm chủ,… là những bước quan trọng trong việc thành lập doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng nhất chính là thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông qua nội dung bài viết này, chúng tôi xin trình bày về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hình ảnh về thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật
Cách thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp

Doanh nghiệp và các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam. Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam hiện nay có Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH), Công ty Cổ phần, Công ty Hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân.

Trong đó, theo quy định tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2014, Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:

  • Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;
  • Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 48 của Luật Doanh nghiệp 2014;
  • Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật Doanh nghiệp.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty TNHH hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần.

Công ty TNHH một thành viên theo quy định tại Điều 73 Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty TNHH một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.

Theo quy định tại Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Công ty Cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

  • Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
  • Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
  • Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
  • Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 119 và Khoản 1 Điều 126 của Luật Doanh nghiệp 2014.

Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty Cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.

Phương thức lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với quy mô công ty
Điều kiện áp dụng với từng loại hình công ty

Công ty Hợp danh theo quy định tại Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2014 là doanh nghiệp, trong đó:

  • Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
  • Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
  • Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty Hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Ngoài ra, có một loại hình doanh nghiệp đặc biệt khi bản thân trong tên gọi của nó đã có hai từ doanh nghiệp và loại hình doanh nghiệp này là tổ chức không có tư cách pháp nhân, đó là Doanh nghiệp tư nhân. Theo quy định tại Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

  • Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
  • Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ Hộ kinh doanh, thành viên Công ty Hợp danh.
  • Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong Công ty Hợp danh, Công ty TNHH hoặc Công ty Cổ phần.

Theo đó, tùy vào mục đích, nhu cầu, khả năng tài chính, quy mô, loại hình kinh doanh,… mọi người có thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp để tiến hành hoạt động kinh doanh sao cho đạt được kết quả tốt nhất.

Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp được quy định như thế nào?

Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp được quy định như sau:

Bước 1: Chuẩn bị Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của Doanh nghiệp tư nhân theo quy định tại Điều 20 Luật Doanh nghiệp 2014 gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và mẫu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành và được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
  • Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của Công ty Hợp danh theo quy định tại Điều 21 Luật Doanh nghiệp 2014 gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và mẫu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành và được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách thành viên.
  • Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH theo quy định tại Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2014 gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và mẫu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành và được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách thành viên.
  • Bản sao các giấy tờ sau đây: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân; Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của Công ty Cổ phần theo quy định tại Điều 23 Luật Doanh nghiệp 2014 gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và mẫu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành và được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
  • Bản sao các giấy tờ sau đây: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.

Trong đó, nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

  • Tên doanh nghiệp.
  • Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có).
  • Ngành, nghề kinh doanh.
  • Vốn điều lệ; vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân.
  • Các loại cổ phần, mệnh giá mỗi loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần.
  • Thông tin đăng ký thuế.
  • Số lượng lao động.
  • Họ, tên, chữ ký, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh.
  • Họ, tên, chữ ký, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.
Các bước thực hiện thành lập một loại hình doanh nghiệp phù hợp
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập công ty

Bước 2: Nộp và xem xét Hồ sơ

Theo quy định tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2014 ,  Điều 27 và Điều 28 Nghị định 78/2015/NĐ-CP được sửa đổi tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi:

  • Có đủ giấy tờ theo quy định tại Nghị định này;
  • Tên doanh nghiệp đã được điền vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
  • Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
  • Đã nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Trong đó, theo quy định về biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì lệ phí đăng ký doanh nghiệp là 50.000 đồng/lần.

Bước 3: Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp

Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Lưu ý: Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy xác nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký để nộp hồ sơ, nhận kết quả qua đường bưu điện.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Tư vấn thủ tục thành lập Doanh nghiệp. Nếu có quan tâm đến vấn đề đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc Quý khách hàng muốn được hỗ trợ pháp lý trực tiếp, vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Long Phan PMT để được tư vấn miễn phí.

Bài viết nói về: Dịch vụ tư vấn thủ tục thành lập doanh nghiệp - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT



0 comments

Đăng nhận xét

My maps