Tranh chấp tài sản của con chung đã chết phát sinh trong trường hợp người con chung chết trước cha mẹ và cha mẹ đều được thừa kế di sản của con nhưng không thống nhất được quyền sở hữu di sản. Trên thực tế đây là vụ việc không quá phổ biến nên hướng giải quyết không được quy định cụ thể. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về vấn đề này.
Pháp luật quy định thế nào về tài sản của con chung đã chết?
Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 thì di sản là tài sản của người chết để lại, bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Như vậy, để một tài sản được xem là di sản thì di sản đó phải là tài sản của người đã chết để lại. Khi đó, tại thời điểm người con chung chết, người này có để lại tài sản hợp pháp thuộc quyền sở hữu thì tài sản này được xem là di sản.
Thừa kế tài sản của con chung đã chết
Khi một người chết có để lại di sản thì vấn đề được đặt ra là xác định hình thức thừa kế và các đồng thừa kế. Hiện nay, ở Việt Nam, có 02 hình thức thừa kế – thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Thứ nhất, thừa kế theo pháp luật
Theo đó, Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Căn cứ vào Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong các trường hợp:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Đối với thừa kế theo pháp luật, vấn đề hàng thừa kế được đặt ra là căn cứ để xác định người thừa kế và phần thừa kế. Về nguyên tắc, thứ tự ưu tiên được nhận thừa kế lần lượt là hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai, sau cùng là hàng thừa kế thứ ba. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Ngoài ra, những người thừa kế cùng hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau.
Như vậy, tại thời điểm người con chết, cha mẹ là hàng thừa kế thứ nhất nên sẽ được hưởng thừa kế (trừ trường hợp họ không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản).
Thứ hai, thừa kế theo di chúc
Đối với thừa kế theo di chúc, khi người con định đoạt tài sản cho riêng cha/mẹ thì đó là tài sản riêng của người đó. Nhưng trong trường hợp, người con ghi nhận trong di chúc là để lại di sản cho cả cha và mẹ thì đây là tài sản chung của cha, mẹ. Ngoài ra, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật thì cha, mẹ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất đó (điểm a Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015).
Tranh chấp tài sản chung khi ly hôn
Tài sản của con chung đã chết được xem là di sản con chung để lại. Đây là tranh chấp tài sản chung sau thừa kế, nghĩa là, khi người con chung chết, di sản đã được chia, và đôi vợ chồng này đều là đồng thừa kế, và tài sản thừa kế trở thành tài sản chung của vợ chồng (trừ trường hợp trong di chúc được cho riêng). Và khi ly hôn, khối tài sản này mới phát sinh tranh chấp. Khi đó, việc giải quyết tranh chấp phải xem xét đến công sức quản lý, chăm sóc di sản trong thời gian hôn nhân (di sản chưa được chia) để thanh toán chi phí bảo quản di sản và công sức cải tạo, phát triển di sản.
Khi xác định di sản mà con chung để lại là tài sản riêng, thì người đó phải có nghĩa vụ chứng minh. Nếu không chứng minh được thì di sản này là tài sản chung của vợ chồng. Khi đó, bản chất của tranh chấp tài sản của con chung đã chết khi ly hôn là tranh chấp về quyền tài sản, nghĩa là tranh chấp ai có quyền đối với tài sản đó, chứ không phải là tranh chấp tài sản đó.
Giải quyết tranh chấp như thế nào?
Vấn đề tranh chấp tài sản của con chung đã chết sau ly hôn thuộc phạm vi giải quyết tranh chấp tài sản chung khi ly hôn. Do đó, tranh chấp này sẽ được giải quyết trong vụ án ly hôn. Thông thường, các tranh chấp về tài sản khi ly của vợ chồng sẽ do vợ chồng tự thỏa thuận phân chia. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Căn cứ vào Khoản 1 Điều 28 và điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc nơi có tài sản là bất động sản là cơ quan có thẩm quyền tranh chấp tài sản của con chung khi ly hôn của vợ chồng.
Để có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, chủ thể muốn khởi kiện phải gửi hồ sơ khởi kiện (bao gồm đơn khởi kiện kèm theo bản sao y các loại giấy tờ chứng minh nhân thân và các tài liệu, giấy tờ chứng minh yêu cầu khởi kiện) đến Tòa án có thẩm quyền thông qua 03 phương thức: Nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc thực hiện gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Tòa án có trách nhiệm cấp ngay người khởi kiện giấy xác nhận đã nhận đơn. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện có đủ điều kiện thụ lý hay không. Đồng thời, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện để người khởi kiện đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Khi đó, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án và giải quyết vụ án theo đúng trình tự pháp luật.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi hướng dẫn về việc giải quyết tranh chấp tài sản của con chung đã chết sau ly hôn. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn pháp lý trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới.
Bài viết nói về: Tranh chấp tài sản của con chung đã chết khi ly hôn - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT
0 comments
Đăng nhận xét