Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần là việc chuyển cổ phần của một công ty cổ phần từ người nắm giữ cổ phần sang người khác. Đây là quyền quan trọng của cổ đông, giúp tạo nên thị trường vốn, luồng đầu tư xã hội được luân chuyển trên thị trường. Điều đó tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư thay đổi, điều chỉnh mục tiêu đầu tư dễ dàng. Đồng thời việc chuyển nhượng cần phải tuân theo đúng quy định của pháp luật để tránh những rủi ro có thể xảy ra, bài viết dưới đây cung cấp thông tin về thủ tục chuyển nhượng cổ phần giúp cho nhà đầu tư có thể phần nào tránh được những vấn đề pháp lý làm ảnh hưởng đến việc chuyển nhượng.
Cần hiểu rõ bản chất của cổ phần khi thực hiện chuyển nhượng
Cổ phần là gì?
Cổ phần là phần vốn nhỏ nhất của công ty cổ phần. người sở hữu cổ phần được gọi là cổ đông. Bản chất của cổ phần là vốn điều lệ trong công ty cổ phần hay nói khác đi, vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần (điểm a khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014).
Cổ phần gồm những loại nào?
Căn cứ vào điều lệ công ty và quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014, cổ phần được chia làm 02 loại chính bao gồm:
Thứ nhất, cổ phần phổ thông
Là cổ phần bắt buộc phải có trong công ty cổ phần, người sở hữu cổ phần phổ thông được gọi là cổ đông phổ thông có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cổ đông được quy định tại Điều 114 và Điều 115 Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty quy định. (Khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014).
Lưu ý: Cổ đông sở hữu cổ đông phổ thông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông có cổ đông sáng lập, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp các cổ đông chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình với nhau và chỉ chuyển được cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông (Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014)
Thứ hai, cổ phần ưu đãi
Là loại cổ phần khi có cổ đông sở hữu nó thì sẽ được một số ưu đãi về quyền lợi lớn hơn những cổ đông không sở hữu loại cổ phần đó. Luật không quy định cụ thể có bao nhiêu loại cổ phần ưu đãi mà tùy thuộc vào điều lệ công ty quy định, tuy nhiên có đưa ra 03 loại chính (khoản 2 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014), cụ thể:
Một là, cổ phần ưu đãi biểu quyết:
- Là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. (116 Luật Doanh nghiệp 2014)
- Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết chỉ có tổ chức được chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập và chỉ có hiệu lực 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập được chuyển thành cổ phần phổ thông. Đặc biệt cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác. (Khoản 3 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014).
Hai là, cổ phần ưu đãi cổ tức:
- Là loại cổ phần mà người sở hữu số cổ phần đó được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm (cổ tức cố định và cổ tức thưởng); trong đó cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. (Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2014)
- Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có các quyền như cổ đông phổ thông, theo đó cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Tuy nhiên cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có giới hạn là không có quyền biểu quyết, dự họp ĐHĐCĐ, đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát. (Khoản 2, Khoản 3 Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2014).
Ba là, cổ phần ưu đãi hoàn lại:
- Cổ phần ưu đãi hoàn lại được hiểu là cổ phần được công ty hoàn lại vốn theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại (khoản 1 Điều 118 Luật Doanh nghiệp 2014).
- Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền như cổ đông phổ thông trừ việc cổ đông sở hữu loại cổ phần này không có quyền biểu quyết, dự họp ĐHĐCĐ, đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát (Khoản 3 Điều 118). Theo đó cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.
Lưu ý về điều kiện chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần
Căn cứ tại Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về chuyển nhượng cổ phần theo đó, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp:
- Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
- Điều lệ công ty có quy định về việc hạn chế việc chuyển nhượng cổ phần.
Cách thức chuyển nhượng cổ phần
- Việc chuyển nhượng phải được thực hiện bằng hợp đồng thông thường có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đại diện theo uỷ quyền của các bên.
- Thực hiện thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định của luật chứng khoán.
Thủ tục chuyển nhượng cổ phần
Căn cứ Khoản 16 Điều 1 Nghị định 108/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định “việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp”
Theo đó các cổ đông chỉ cần thực hiện các thủ tục chuyển nhượng nội bộ công ty, không cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh- Sở kế hoạch đầu tư.
Hồ sơ bao gồm:
- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần
- Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng
- Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần.
- Bản sao, chứng thực cá nhân của cổ đông chuyển nhượng và người được chuyển nhượng hoặc của người được ủy quyền bằng văn bản ủy quyền.
Trong trường hợp là cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần làm thay đổi thông tin cổ đông sáng lập thì cần gửi thông báo đến phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Theo Khoản 16 Điều 1 Nghị định 108/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP, nội dung thông báo gồm:
- Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
- Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập đối với cổ đông sáng lập là tổ chức hoặc họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông sáng lập là cá nhân;
- Họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Khi nhận thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Dịch vụ thực hiện thủ tục chuyển nhượng cổ phần
Luật sư doanh nghiệp sẽ tham gia tư vấn pháp luật về thủ tục, hồ sơ chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần:
- Tư vấn tính hợp pháp trong chuyển nhượng cổ phần
- Hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng cổ phần và đại diện khách hàng làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo yêu cầu.
- Soạn thảo lại các giấy tờ nội bộ cho công ty
- Và các công việc khác liên quan đến việc chuyển nhượng nhượng cổ phần theo yêu cầu của khách hàng.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về chủ đề “Thủ tục chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần”. Trường hợp có nhu cầu cần được tư vấn xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi qua hotline bên dưới để được hỗ trợ. Xin cảm ơn.
Bài viết nói về: Thủ tục chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT
0 comments
Đăng nhận xét