Thủ tục kiện đòi lại nhà cho thuê do người thuê không trả

No Comments

Hiện nay tình trạng người thuê nhà không chịu trả lại nhà cho người cho thuê khi hết hạn hợp đồng thuê nhà không hề hiếm. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội của bên cho thuê nhà và trật tự an ninh xã hội. Nhằm hỗ trợ Quý khách trong việc giải quyết vấn đề trên, chúng tôi xin tư vấn thủ tục đòi lại nhà cho thuê do người thuê không trả qua bài viết dưới đây.

Cách thức đòi lại nhà cho thuê do người thuê không trả
Thủ tục kiện đòi lại nhà cho thuê khi hết hạn hợp đồng thuê

Pháp luật quy định về hợp đồng thuê nhà như thế nào?

Hợp đồng thuê nhà là một dạng của hợp đồng thuê tài sản được quy định tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015. Đây là sự thỏa thuận giữa bên cho thuê nhà và bên thuê, trong đó nghĩa vụ chính mà bên cho thuê nhà phải thực hiện là giao nhà cho bên thuê sử dụng trong một thời hạn mà các bên đã giao kèo, bên thuê phải trả tiền thuê nhà và thực hiện các nghĩa vụ khác do luật định hoặc các bên thỏa thuận.

Theo quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở 2014, hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản. Pháp luật nước ta hiện nay không có quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê nhà ở. Tuy nhiên, công chứng hợp đồng thuê nhà sẽ đảm bảo giá trị pháp lý và tạo điều kiện hơn cho các bên khi có tranh chấp xảy ra.

Trường hợp nào luật định cho phép lấy lại nhà cho thuê?

Những trường hợp nào chủ nhà được lấy lại nhà chi thuê hợp pháp
Đòi lại nhà cho thuê hợp pháp

Theo quy định tại Điều 131 Luật Nhà ở 2014, khi rơi các trường hợp sau thì hợp đồng cho thuê nhà ở sẽ chấm dứt:

  • Hợp đồng thuê nhà ở đã hết hạn; Trường hợp hợp đồng thuê nhà ở không xác định thời hạn chấm dứt thì sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng.
  • Hai bên thỏa thuận việc chấm dứt hợp đồng.
  • Nhà ở để cho thuê không còn.
  • Bên cho thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai cùng chung sống.
  • Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa mặt nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác. Trường hợp này, bên cho thuê nhà phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
  • Đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 132 của Luật này.

Như vậy khi thuộc các trường hợp ở trên thì hợp đồng thuê nhà ở sẽ chấm dứt, người thuê nhà có nghĩa vụ phải trả lại nhà cho người cho thuê. Việc tiếp tục chiếm hữu nhà khi hợp đồng cho thuê đã chấm dứt là trái quy định của pháp luật.

Trình báo công an về hành vi xâm phạm chỗ ở

Việc bên thuê nhà không chịu trả nhà khi hợp đồng thuê nhà đã chấm dứt hiệu lực mà vẫn tiếp tục ở lại sinh hoạt khi đã có thông báo của người cho thuê được xem là hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Người cho thuê có quyền trình báo ra công an phường nơi mình đang cư trú để nhờ công an giải quyết. Đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có thể bị phạt không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi người phạm tội thực hiện 01 trong 04 hành vi mô tả tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Khởi kiện ra Tòa án và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có

Cách xử lý khi người thuê nhà không trả nhà khi hợp đồng thuê đã kết thúc
Quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp đòi nhà cho thuê

Người cho thuê đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng bên thuê nhà vẫn không chịu trả nhà thì bên cho thuê có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Thủ tục khởi kiện được thực hiện như sau.

Thứ nhất, người khởi kiện nộp đơn kiện bao gồm các nội dung cơ bản được quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như ngày, tháng, năm khởi kiện, tên Tòa nhận đơn khởi kiện, trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bất động sản là Tòa nơi có nhà ở cho thuê theo quy định điểm khoản 1 Điều 59 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Thứ hai, hồ sơ khởi kiện bao gồm:

  • Đơn khởi kiện;
  • Bản photo chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu;
  • Bản photo hợp đồng thuê nhà;
  • Bản photo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;
  • Và các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh yêu cầu khởi kiện.

Sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án sẽ xem xét để quyết định có thụ lý đơn khởi kiện hay không. Nếu Tòa án quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp sẽ gửi văn bản thụ lý đến các bên trong tranh chấp và tiến hành phân công Thẩm phán trực tiếp xét xử. Trong giai đoạn tiền xét xử, các bên tranh chấp sẽ được yêu cầu cung cấp, bổ sung thêm chứng cứ (nếu Tòa án xét thấy cần thiết), tiến hành các hoạt động hòa giải, công khai chứng cứ,… theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Thẩm phán sẽ dựa trên các chứng cứ các bên giao nộp hoặc các chứng cứ do mình tự thu thập để ra quyết định cuối cùng.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án, nếu các bên không đồng ý với một phần hoặc toàn bộ phán quyết của Tòa án thì có quyền nộp đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp trên để yêu cầu giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Thủ tục kiện đòi lại nhà cho thuê do người cho thuê không trả đã được chúng tôi trình bày qua bài viết trên. Nếu Quý khách cần bất cứ sự trợ giúp về vấn đề trên hoặc những vấn đề pháp lý có liên quan, hãy liên hệ ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!

Bài viết nói về: Thủ tục kiện đòi lại nhà cho thuê do người thuê không trả - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT



0 comments

Đăng nhận xét

My maps