Việc thay đổi vốn điều lệ công ty có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công ty, do đó, khi công ty cổ phần tăng vốn điều lệ thì phải tiến hành nộp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo đó có 02 cách thực hiện, hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc qua mạng điện tử. Vậy hồ sơ, thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần được tiến hành thế nào? Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ tư vấn về nội dung này.
Quy định của pháp luật về đăng ký tăng vốn điều lệ công ty Vốn điều lệ công ty cổ phần là gì?
Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Theo đó, vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký sẽ là vốn điều lệ của công ty khi các cổ đông góp đủ vốn trong thời hạn góp vốn. Vốn điều lệ của công ty có thể được thay đổi trong quá trình hoạt động kinh doanh. Khi thay đổi vốn điều lệ, công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.
Cổ đông phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp của mình.
Các trường hợp tăng vốn điều lệ công ty cổ phần
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật Doanh nghiệp 2014 về thay đổi vốn điều lệ. Theo đó, Công ty có thể tăng vốn điều lệ bằng các hình thức sau đây:
- Tăng vốn góp của thành viên;
- Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới.
Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định tại Điều 53 Luật Doanh Nghiệp. Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn. Trường hợp này, số vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.
Theo quy định tại Điều 122 Luật Doanh nghiệp thì chào bán cổ phần là một trong những hình thức để tăng vốn điều lệ, công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động. Việc chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
- Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;
Theo Khoản 1 Điều 124 của Luật Doanh Nghiệp thì chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được xác định là việc: Công ty chào bán cổ phần cho tất cả cổ đông hiện hữu và chào bán theo tỷ lệ cổ phần hiện có của cổ đông hiện hữu tại công ty.
- Chào bán cổ phần riêng lẻ;
Theo Khoản 3, Điều 1 Luật Chứng Khoán thì chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc tổ chức chào bán chứng khoán cho dưới một trăm nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet.
- Chào bán ra công chúng.
Việc chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.
Lưu ý: Doanh nghiệp không được thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
- Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã bị ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp;
- Theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án hoặc cơ quan công an.
Tăng vốn điều lệ gồm những giai đoạn nào? Những bước cơ bản tiến hành tăng vốn điều lệ Giai đoạn 1: Đăng ký thay đổi vốn điều lệ
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi.
Giai đoạn 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nộp hồ sơ
Trường hợp 1: Đại hội đồng cổ đông trực tiếp thông qua việc tăng vốn điều lệ. Hồ sơ gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (mẫu quy định);
- Quyết định của đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi vốn điều lệ;
- Biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi vốn điều lệ;
- Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ;
- Mục lục hồ sơ (ghi theo thứ tự trên).
- Bìa hồ sơ (bằng bìa giấy mỏng hoặc nylon cứng không có chữ sử dụng cho mục đích khác).
- Giấy ủy quyền để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp 2: Đại hội đồng cổ đông thông qua việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn điều lệ, đồng thời giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán. Hồ sơ gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (mẫu quy định);
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc phát hành cổ phần chào bán để tăng vốn điều lệ, trong đó nêu rõ số lượng cổ phần chào bán và giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần;
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng quản trị công ty cổ phần về việc đăng ký tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt chào bán cổ phần.
- Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ (mẫu tham khảo);
- Mục lục hồ sơ (ghi theo thứ tự trên).
- Bìa hồ sơ (bằng bìa giấy mỏng hoặc nylon cứng không có chữ sử dụng cho mục đích khác).
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Giai đoạn 3: Nộp phí, lệ phí
Nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Giai đoạn 4: Nhận kết quả thực hiện
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu hồ sơ hợp lệ;
- Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nếu hồ sơ chưa hợp lệ
Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về việc tăng vốn điều lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.
Thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp?
Để nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì trước tiên cần chuẩn bị: Đăng ký tài khoản đăng nhập Hệ thống; Đăng ký Tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc gán Chữ ký số công cộng vào tài khoản; Tài khoản thanh toán điện tử.
Bước 1: Tạo hồ sơ đăng ký thay đổi
- Tìm kiếm doanh nghiệp/ đơn vị trực thuộc để tiến hành đăng ký thay đổi.
- Chọn loại đăng kí thay đổi là thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Kê khai thông tin trong hồ sơ đăng ký thay đổi qua mạng điện tử
Bước 3: Tải văn bản điện tử đính kèm hồ sơ đăng ký thay đổi. Lưu ý:
- Cần chọn đúng các giấy tờ cần nộp theo quy định về thành phần hồ sơ.
- Việc tải các giấy tờ cần nộp lên Hệ thống sẽ được thực hiện ở bước tiếp theo.
Bước 4: Chuẩn bị hồ sơ
Bước 5: Ký số/ Xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử
Bước 6: Nộp hồ sơ vào Phòng đăng ký kinh doanh
Bước 7: Theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ
Bước 8: Sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung
Bước 9: Nhận kết quả
Nhận kết quả đăng ký tăng vốn điều lệ Thủ tục liên hệ nộp và nhận kết quả
Bước 1: Doanh nghiệp\Người thành lập doanh nghiệp\Người được ủy quyền xuất trình Giấy biên nhận hồ sơ tại Phòng Trả kết quả đăng ký doanh nghiệp lấy số thứ tự .
Bước 2: Theo số thứ tự, doanh nghiệp\Người thành lập doanh nghiệp xuất trình bản chính Chứng minh nhân dân (hoặc Hộ chiếu) hoặc Người được ủy quyền xuất trình văn bản ủy quyền cho cá nhân theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực trường hợp thành lập mới hay văn bản ủy quyền của người đại diện pháp luật trường hợp thay đổi đến nhận kết quả kèm bản chính Chứng minh nhân dân (hoặc Hộ chiếu) để được nhận kết quả.
Bước 3: Khi nhận được kết quả đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp\Người thành lập doanh nghiệp\Người được ủy quyền phải kiểm tra kỹ thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trước khi rời Phòng Đăng ký kinh doanh. Trường hợp thông tin chưa chính xác thì liên hệ ngay cán bộ trả kết quả để giải quyết theo quy định.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp có thay đổi đại diện pháp luật, văn bản ủy quyền cho người khác đến nhận kết quả phải do người đại diện pháp luật mới ký từ ngày được cấp đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp mất Giấy biên nhận, doanh nghiệp làm Giấy đề nghị mất biên nhận để được nhận kết quả. Trường hợp doanh nghiệp phát hiện thông tin sai sau ngày nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp:
- Nếu do Phòng Đăng ký kinh doanh cấp không đúng so với thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: doanh nghiệp làm hồ sơ Hiệu đính thông tin và nộp tại Quầy lấy số – Phòng Tiếp nhận hồ sơ.
- Nếu do doanh nghiệp kê khai không đúng: doanh nghiệp làm hồ sơ cấp lại hoặc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp tại Quầy lấy số – Phòng Tiếp nhận hồ sơ.
Trên đây là toàn nội dung tư vấn liên quan đến vấn đề Thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần như thế nào? Nếu có bất kỳ vướng mắc, câu hỏi hay nội dung thắc mắc, cần tư vấn liên quan đến vấn đề này hoặc cần hỗ trợ thực hiện các dịch vụ về thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty; hỗ trợ khai báo thuế…Vui lòng liên hệ với chúng tôi – Công ty Luật Long Phan PMT với số điện thoại hotline bên dưới để được tư vấn tận tình, uy tín và hiệu quả. Trân trọng.
Bài viết nói về: Thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần như thế nào?
Nguồn từ: Luật doanh nghiệp November 27, 2019 at 01:00PM
Tác giả: Phan Mạnh Thăng
/luatlongphan/Tai nguyen/Doanh nghiep
Xem thêm Google Doc Luatlongphan
0 comments
Đăng nhận xét