Trong quá trình thực hiện hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất, khi một trong các bên vi phạm những nghĩa vụ cơ bản thì bên còn lại có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khi có tranh chấp và không thể giải quyết được bằng hòa giải, thương lượng thì bên có quyền được quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để tìm hiểu về vấn đề này, hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Quy định của pháp luật về hợp đồng đặt cọc
Về hình thức, hợp đồng đặt cọc phải được lập bằng văn bản, có chữ ký, xác nhận của các bên và người làm chứng. Ngoài ra, hợp đồng đặt cọc không bắt buộc phải có công chứng chứng thực.
Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất là sự thỏa thuận giữa các bên trong giao dịch mua bán nhà đất, trong đó bên đặt cọc (bên mua) giao cho bên nhận đặt cọc (bên bán) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn nhất định để đảm bảo việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Khi hai bên đồng ý giao kết hợp đồng đặt cọc thì số tiền đặt cọc hoặc là được trả lại cho bên bán hoặc được dùng để trừ vào nghĩa vụ trả tiền của bên mua, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên.
Khi đó, nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác của các bên.
Hệ quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015, một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:
- Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
- Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
- Trường hợp khác do luật quy định
Do đó, khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng (tiêu biểu như nghĩa vụ giao tiền đúng hạn, không giao kết hợp đồng mua bán,…) hay vi phạm điều kiện hủy bỏ hợp đồng theo thỏa thuận hoặc theo pháp luật thì một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng.
Khi đó, hợp đồng đặt cọc không có hiệu lực, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận để giao kết hợp đồng chuyển nhượng. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại khoản 1, 2,3 Điều 427 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
- Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.
- Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
- Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Tranh chấp điển hình liên quan đến hợp đồng đặt cọc mua nhà đất là yêu cầu đòi lại tiền cọc. Trường hợp các bên không thỏa thuận được có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên mua cư trú yêu cầu Tòa án tuyên bố hủy hợp đồng đặt cọc.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (hợp đồng đặt cọc, các văn bản thỏa thuận gia hạn đặt cọc);
- Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng), nếu người khởi kiện là cá nhân;
- Hồ sơ pháp lý khác của người khởi kiện, đương sự khác như: giấy phép kinh doanh, giấy chứng đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập doanh nghiệp, điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp (bản sao có chứng thực), nếu là pháp nhân; Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao).
Trình tự thủ tục khởi kiện
Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.
Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về vấn đề này, nếu có thắc mắc gì xin liên hệ với chúng tôi để được sự tư vấn tốt nhất. Hiện nay, công ty Luật Long Phan PMT có thực hiện các dịch vụ pháp lý giải quyết tranh chấp như trên.
Bài viết nói về: Thủ tục khởi kiện hủy hợp đồng đặt cọc mua nhà đất - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT
0 comments
Đăng nhận xét