Trên thực tế, không ít trường hợp người sử dụng đất đủ điều kiện được hưởng suất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không được giải quyết. Trong trường hợp này, họ có quyền khiếu nại, tố cáo về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất xâm phạm quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc khiếu nại cũng khả thi. Vì vậy, khiếu kiện có thể xem là bước đi cuối cùng để bảo vệ quyền lợi của người bị xâm phạm. Vậy, trình tự thủ tục kiện đòi suất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện như thế nào? Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ làm rõ vấn đề trên.
Suất tái định cư là gì?
Suất tái định cư là suất đất do Nhà nước bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất nhằm giúp người dân ổn định lại đời sống. Tùy thuộc vào diện tích đất bị thu hồi và quỹ đất hiện có của Nhà nước, người dân sẽ được bồi thường số lượng suất tái định cư phù hợp.
Điều kiện được hưởng suất tái định cư?
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 83 và Điều 22 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở sẽ được thực hiện như sau:
- Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu quy định tại Điều 27 của Nghị định này thì được hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất;
- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy mô diện tích đất ở thu hồi, số nhân khẩu của hộ gia đình và điều kiện cụ thể tại địa phương quy định mức hỗ trợ cho phù hợp.
Như vậy, những chủ thể bị thu hồi đất đủ điều kiện được bồi thường và phải di chuyển chỗ ở sau khi bị thu hồi đất thì sẽ được hưởng suất tái định cư theo như luật định.
Nếu đủ điều kiện hưởng tái định cư mà không được giải quyết thì làm thế nào?
Cách nhanh nhất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân đó là tiến hành khiếu nại cơ quan có thẩm quyền nhưng không ban hành quyết định hỗ trợ suất tái định cư.
Theo Luật khiếu nại 2011, sẽ có hai hướng khiếu nại:
- Khiếu nại hành vi hành chính của người có thẩm quyền vì không ban hành quyết định hỗ trợ suất tái định cư. Đây là trường hợp khiếu nại Hành vi hành chính.
- Khiếu nại quyết định hỗ trợ suất tái định cư không thỏa đáng, vi phạm pháp luật. Đây là trường hợp khiếu nại Quyết định hành chính được ban hành trái luật hoặc không thỏa đáng.
Trình tự giải quyết theo Điều 7 Luật khiếu nại 2011 có quy định:
- Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Lựa chọn hướng đi khởi kiện trực tiếp mà không thông qua khiếu nại
Trình tự thủ tục kiện đòi suất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính 2015.
Bước 1: Ta phải xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong việc khiếu kiện đòi bồi thường suất tái định cư. Tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan Ủy ban nhân dân cấp thẩm quyền sẽ phê duyệt suất tái định cư này. Thông thường cơ quan phê duyệt sẽ là UBND cấp tỉnh, tuy nhiên một số trường hợp UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND cấp huyện phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Vì thế, Tòa án cấp có thẩm quyền cũng sẽ thay đổi từ cấp huyện sang cấp tỉnh theo.
Bước 2: Lập hồ sơ khởi kiện.
Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm đơn khởi kiện và tất cả các tài liệu chứng cứ liên quan đến yêu cầu khởi kiện. Hình thức, nội dung của Đơn khởi kiện phải phù hợp với Điều 118 Luật tố tụng hành chính 2015.
Bước 3: Nộp đơn khởi kiện.
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án.
- Gửi qua dịch vụ bưu chính.
- Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)
Sau khi nhận đơn khởi kiện, xét thấy đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản và nêu rõ các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người khởi kiện nhận được thông báo của Tòa án.
Trường hợp hồ sơ khởi kiện là phù hợp, Tòa án sẽ yêu cầu người khởi kiện Nộp tiền tạm ứng án phí và sau đó sẽ thụ lý vụ án.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về “Thủ tục kiện đòi suất tái định cư khi bị thu hồi đất”. Nếu có bất kì nội dung vướng mắc, cần hỗ trợ, giải đáp, tiến hành cụ thể việc khởi kiện tại Tòa liên quan đến vấn đề này hoặc các tranh chấp liên quan đến đất đai. Xin vui lòng liên hệ với Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ tận tình, uy tín và hiệu quả. Trân trọng.
Bài viết nói về: Thủ tục kiện đòi suất tái định cư khi bị thu hồi đất - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT
0 comments
Đăng nhận xét