Khi nào ngân hàng được bán đấu giá nhà đất thế chấp mà không cần khởi kiện?

No Comments

Về nguyên tắc, khi xử lý tài sản thế chấp là nhà đất mà không thỏa thuận được theo hình thức bán đấu giá thì Ngân hàng phải kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay, trong một số trường hợp, Ngân hàng được bán đấu giá nhà đất thế chấp mà không cần kiện ra Tòa án. Vậy trường hợp nào thì không cần khởi kiện? Trong phạm vi bài viết này sẽ được làm rõ.

Các trường hợp ngân hàng được bán đấu giá nhà đất đang thế chấp mà không cần khởi kiện tại tòa án
Thực hiện bán đấu giá tài sản thế chấp tại ngân hàng

Các trường hợp được xử lý tài sản thế chấp?

Thế chấp tài sản là một loại biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được pháp luật ghi nhận hiện nay. Trong đó, một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 323, Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015, bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
  • Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
  • Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Việc pháp luật ghi nhận cụ thể các quyền trên nhằm bảo vệ bên nhận thế chấp trong trường hợp không thể thu hồi được khoản nợ của bên thế chấp.

Các loại tài sản mà pháp luật cho phép đấu giá?

Tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật
Bán đấu giá tài sản thế chấp tại ngân hàng

Hiện nay, không phải tất cả tài sản đều có thể được đem ra đấu giá. Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá 2016 thì các tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:

  • Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
  • Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;
  • Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
  • Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;
  • Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
  • Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
  • Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;
  • Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
  • Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;
  • Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
  • Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;
  • Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
  • Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;
  • Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
  • Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Nợ xấu được hiểu như thế nào?

Ngân hàng bán tài sản thế chấp khi có nợ xấu
Bán đấu giá tài sản khi là nợ xấu

Theo quy định mới nhất được ghi nhận tại Điều 4 Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì nợ xấu quy định tại Nghị quyết này bao gồm:

  • Khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15 tháng 8 năm 2017;
  • Khoản nợ được hình thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.

Hiện nay có những phương pháp nhằm xác định nợ xấu bao gồm: phương pháp định lượng, phương pháp định tính và đặc biệt đối với việc xác định nợ xấu trong trường hợp khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên. (Phụ lục về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết 42/2017/QH14).

Khi nào Ngân hàng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm và tổ chức bán đấu giá?

Theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự, các phương thức xử lý tài sản thế chấp được các bên thỏa thuận bao gồm:

  • Bán đấu giá tài sản;
  • Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
  • Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
  • Phương thức khác.

Trong trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác. Như vậy, ngân hàng có quyền bán tài sản thế chấp phụ thuộc vào việc các bên có thỏa thuận về phương thức xử lý này không. Nếu các bên có tranh chấp, Ngân hàng phải yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Khi có bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự sẽ xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay, Ngân hàng được pháp luật cho phép thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14, cụ thể:

  • Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự 2015;
  • Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;
  • Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;
  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này.

Như vậy, Ngân hàng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi tài sản thế chấp phải đảm bảo cho khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Sau khi tiến hành thu giữ, nếu tài sản thuộc trường hợp được đấu giá thì Ngân hàng có thể tiến hành bán đấu giá (điểm o khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá 2016) mà không cần kiện ra Tòa án.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề khi nào Ngân hàng được bán đấu giá nhà đất thế chấp mà không cần kiện ra Tòa án. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới.

Bài viết nói về: Khi nào ngân hàng được bán đấu giá nhà đất thế chấp mà không cần khởi kiện? - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT



0 nhận xét

Đăng nhận xét

My maps