Giải quyết tranh chấp đòi lại nhà đất do vượt biên bỏ lại

No Comments

Các vụ việc tranh chấp đòi lại nhà đất do vượt biên bỏ lại hiện nay đã và đang được giải quyết tại tòa án các cấp. Trên thực tế, việc giải quyết các tranh chấp nhà đất này là rất khó khăn bởi việc xác định nguồn gốc, quá trình, hiện trạng sử dụng đất là vô cùng phức tạp. Thậm chí, việc xác định nguyên nhân vượt biên phải bỏ lại đất hay việc xác định quyền và nghĩa vụ của người dân vào thời điểm vượt biên là khó xác định bởi hầu hết những vụ việc này đã xảy ra hàng chục năm trước. Nắm bắt được sự cần thiết cũng như nhu cầu giải quyết vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ trình bày và giải đáp cụ thể.

Cách giải quyết tranh chấp về nhà đất do vượt biên từ năm 1975 bỏ lại
Đòi lại đất bỏ lại sau thời kỳ vượt biên

Sơ bộ về tình trạng đất do vượt biên bỏ lại

Tình trạng cư dân vượt biên bỏ lại đất đa phần diễn ra vào thời kỳ trong khoảng từ trước năm 1975 đến năm 1996, mạnh mẽ nhất là giai đoạn kể từ khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ, dân số Việt Nam nhập cư tại Hoa Kỳ ngày càng nhiều. Điều đáng nói là, tại thời điểm này, họ đã bỏ lại phần diện tích đất tại Việt Nam dẫn đến nhiều hệ lụy pháp lý sau này.

Ngoài ra, sau sự kiện vào ngày 30/04/1975, Chính phủ Việt Nam quyết định chính sách: Nhà đất do Chính quyền Mỹ ngụy quản lý hoặc cá nhân, tổ chức phản động sử dụng, nay thuộc về tài sản của Nhà nước, do Nhà nước trực tiếp quản lý hay còn gọi là nhà diện “2/IV”.

Vượt biên có được xem là từ bỏ quyền sở hữu tài sản không?

Hiểu như thế nào về từ bỏ quyền sở hữu tài sản?

Từ bỏ quyền sở hữu tài sản theo Điều 239 Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành là việc cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu đối với tài sản nhưng có ý chí từ bỏ quyền sở hữu đó qua:

  • Hành vi tuyên bố công khai;
  • Hoặc hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.

Vượt biên được xem là từ bỏ nhà đất khi nào?

Các trường hợp được xem là từ bỏ quyền tài sản do vượt biên
Từ bỏ nhà đất khi không có ủy quyền hợp pháp

Thứ nhất, trường hợp người sử dụng nhà đất bỏ lại tài sản do tản cư trong thời kỳ chiến tranh mà có để lại ủy quyền cho người khác quản lý, trông coi thì không được xem là từ bỏ nhà đất.

Căn cứ pháp lý được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 như sau:

Nếu chủ sở hữu nhà đã có uỷ quyền quản lý hợp pháp và cho đến ngày 1 tháng 7 năm 1996 chưa hết thời hạn uỷ quyền hoặc ủy quyền không xác định thời hạn, thì tiếp tục thực hiện ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Nếu chủ sở hữu nhà đã có uỷ quyền quản lý hợp pháp và thời hạn uỷ quyền đã hết trước ngày 1 tháng 7 năm 1996, thì giải quyết như sau:

  • Có yêu cầu lấy lại nhà trước ngày 1 tháng 7 năm 1996, thì nhà ở đó được trả lại cho chủ sở hữu; nếu chủ sở hữu đã chết, thì công nhận quyền sở hữu cho những người thừa kế;
  • Không có yêu cầu lấy lại nhà trước ngày 1 tháng 7 năm 1996 hoặc đã chết và trước khi chết không có yêu cầu lấy lại nhà, thì công nhận quyền sở hữu cho bố, mẹ, vợ, chồng, con của người đó đang quản lý, sử dụng nhà ở đó;

Thứ hai, trường hợp người sử dụng nhà đất không có ủy quyền hoặc ủy quyền không hợp lệ (gọi chung là không có ủy quyền quản lý hợp pháp) thì được xem là từ bỏ quyền sử dụng của mình.

Căn cứ khoản 3 Điều 10 Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 quy định nếu chủ sở hữu nhà ở không có uỷ quyền quản lý hợp pháp thì:

  • Công nhận quyền sở hữu cho bố, mẹ, vợ, chồng, con của người đó đang quản lý, sử dụng nhà ở đó;
  • Nếu không có những người nói trên, thì công nhận quyền sở hữu nhà ở đó cho người đang quản lý, sử dụng liên tục nhà ở đó từ 30 năm trở lên, kể từ ngày bắt đầu quản lý, sử dụng đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực.
  • Trong trường hợp đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực cũng không có người đang quản lý, sử dụng nói trên, thì nhà ở đó thuộc Nhà nước và người đang quản lý, sử dụng được thuê hoặc được quyền ưu tiên mua.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng được áp dụng tương tự theo Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11.

Thứ ba, như thế nào được xem là ủy quyền hợp pháp (Mục II Thông tư 02/1999/TT-BXD)

  • Uỷ quyền quản lý hợp pháp là việc ủy quyền bằng văn bản theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ủy quyền do chủ sở hữu xác lập tại địa phương nơi có nhà ở đó trước khi chủ sở hữu đi vắng.
  • Việc xác định ủy quyền quản lý hợp pháp nhà ở vắng chủ thực hiện theo các Nghị định số 19/CP ngày 29/6/1960, số 24/CP ngày 13/2/1961 của Hội đồng Chính phủ, Thông tư số 61/TTg ngày 17/2/1961 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 31/BXD ngày 18/10/1977 của Bộ Xây dựng.

Theo đó, Uỷ quyền quản lý không hợp pháp là việc chủ sở hữu có ủy quyền cho người khác quản lý nhà ở của mình nhưng không đúng với quy định của pháp luật về ủy quyền quản lý nhà ở đã nêu trên.

Khởi kiện đòi lại đất bỏ hoang do vượt biên được không?

Thủ tục khởi kiện đòi lại tài sản bỏ lại sau vượt biên của người nước ngoài
Người dân được quyền khởi kiện đòi lại đất bỏ lại trong thời hạn nhất định

Trường hợp 1: Đất bỏ lại do vượt biên thuộc quyền sở hữu riêng của người sử dụng đất thì không đòi lại được theo Điều 1 Nghị quyết 23/2003/QH11, khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai 2013.

Trường hợp 2: Nếu nhà đất thuộc sở hữu chung hoặc quyền sở hữu chung do thừa kế hoặc là tài sản chung của vợ chồng (hôn nhân thực tế trước năm 1986 hoặc hôn nhân theo quy định pháp luật hiện hành) thì người đồng sở hữu và người được nhận thừa kế có quyền khởi kiện đòi lại phần diện tích nhà đất thuộc về mình bởi họ hoàn toàn đủ cơ sở sở hữu và không có hành vi từ bỏ quyền tài sản.

Thủ tục khởi kiện đòi lại đất bỏ lại của người nước ngoài nhận thừa kế?

Thẩm quyền giải quyết

Căn cứ Điều 26, khoản 3 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 37, điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì khởi kiện chia tài sản chung sau thừa kế (nhà đất) có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có bất động sản là đối tượng tranh chấp.

Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

  • Đơn khởi kiện (phải phù hợp với hình thức và nội dung theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015), tham khảo mẫu đơn khởi kiện số 01 Điều 39 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP;
  • Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích bị xâm phạm kèm theo đơn khởi kiện;
  • Giấy Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác liên quan.

Trình tự, thủ tục giải quyết tại Tòa án

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện

Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 2: Tòa án nhận và xử lý đơn khởi kiện

  • Khi nhận đơn khởi kiện, tòa án phải cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện. Trường hợp đủ điều kiện thì quyết định thụ lý vụ án

Bước 3: Nộp tạm ứng án phí

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Bước 4: Phân công thẩm phán giải quyết, tiến hành hòa giải và chuẩn bị xét xử.

Trên đây là nội dung về “Giải quyết tranh chấp đòi lại nhà đất do vượt biên bỏ lại”. Trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline bên dưới để được hỗ trợ và tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn!

Bài viết nói về: Giải quyết tranh chấp đòi lại nhà đất do vượt biên bỏ lại - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT



0 comments

Đăng nhận xét

My maps