Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này phải thực hiện bồi thường theo luật định. Tuy nhiên trên thực tế, họ lại không bồi thường hoặc bồi thường không thỏa đáng đối với các thiệt hại mình đã gây ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Khi có người nhà bị xâm hại tính mạng, chúng ta nên viết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại như thế nào sẽ được chúng tôi tư vấn qua bài viết sau.
Thiệt hại do tính mạng bị xâm hại được hiểu như thế nào?
Người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
Thứ nhất, các thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại 590 của Bộ luật Dân sự 2015:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm;….
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình của địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế; thu nhập thực tế bị mất đi của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại như chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Thứ hai, chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ,…
Thứ ba, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thứ tư, thiệt hại khác do luật quy định.
Bên cạnh các yêu cầu bồi thường trên, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bù đắp một khoản tiền tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại; nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Nội dung đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gồm những gì?
Khi người nhà bị xâm phạm tính mạng, chúng ta có thể gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đến cơ quan cảnh sát điều tra hoặc trong trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra không khởi tố vụ án, có thể gửi đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền.
Thứ nhất, đối với đơn kiến nghị gửi cơ quan cảnh sát điều tra.
Tên của đơn kiến nghị có thể được ghi như sau:
ĐƠN KIẾN NGHỊ
(V/v: Bồi thường về trách nhiệm dân sự)
Thông tin của người kiến nghị và người bị kiến nghị: họ tên, giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú,…
Nội dung kiến nghị bao gồm các yêu cầu bồi thường chính như:
- Chi phí cứu chữa, viện phí,…
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng
- Bù đắp tổn thất về mặt tinh thần
- Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng
Thứ hai, đơn khởi kiện gửi Tòa án có thẩm quyền.
Trong trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra không tiến hành khởi tố vụ án, có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu bồi thường đối với người nhà đã bị xâm phạm tính mạng.
Hình thức, nội dung của đơn khởi kiện được quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Theo đó, người khởi kiện nộp đơn trực tiếp hoặc gửi đơn đến Tòa án bằng đường bưu điện. Đơn khởi kiện bao gồm các nội dung cơ bản như ngày, tháng, năm khởi kiện; tên Tòa án nhận đơn khởi kiện; họ tên, địa chỉ của người bị khởi kiện; quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm kèm theo các tài liệu, chứng cứ;…
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Chánh án sẽ phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán sẽ tiến hành xem xét thụ lý đơn khởi kiện hoặc trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện và nêu rõ lí do trả đơn. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ các bên cung cấp hoặc do tự mình thu thập, Tòa án sẽ ra bản án sơ thẩm. Trong thời hạn 15 kể từ ngày tuyên án, nếu không đồng ý với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm thì các bên có quyền kháng cáo để vụ việc được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Giá trị pháp lý của đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại
Là cơ sở để cơ quan cảnh sát điều tra tổ chức hòa giải trong trường hợp không khởi tố vụ án.
- Trong trường hợp này, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ mời các bên để tổ chức thương lượng, hòa giải các vấn đề yêu cầu bồi thường.
- Trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khởi tố vụ án thì đơn yêu cầu bồi thường là căn sở để xem xét tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị can khi đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại. Yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được tòa án xem xét, giải quyết trong vụ án hình sự và thuộc phần trách nhiệm dân sự.
Là cơ sở để giải quyết theo thủ tục tố tụng dẫn đến một bản án hay một quyết định có hiệu lực pháp luật. Đơn khởi kiện có giá trị pháp lý cao hơn và được đảm bảo thi hành bởi cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là những hướng dẫn viết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do người nhà bị xâm hại tính mạng. Nếu có bất kỳ thắc hoặc cần sự trợ giúp trong quá trình đòi bồi thường về vấn đề trên, hãy liên hệ ngay công ty Luật Long Phan PMT để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Bài viết nói về: Đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do người nhà bị xâm hại tính mạng - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT
0 comments
Đăng nhận xét