Thủ tục ngăn chặn tẩu tán nhà đất do đang có tranh chấp

No Comments

Hiện nay, tranh chấp đất đai là một loại tranh chấp phổ biến, chiếm phần lớn trong các tranh chấp dân sự. Để thực hiện một số giao dịch liên quan đến đất đai thì đất không có tranh chấp là điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành giao dịch. Trong nhiều trường hợp, đất đang bị tranh chấp nhưng một bên trong tranh chấp cố tình thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhằm tẩu tán nhà đất, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại trong tranh chấp, khiến cho hiện trạng đất tranh chấp bị thay đổi và làm xấu đi khả năng giải quyết tranh chấp. Do đó, thông qua bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về thủ tục ngăn chặn tẩu tán nhà đất do đang có tranh chấp.

Cách ngăn chặn người khác tẩu tán tài sản đang tranh chấp tại tòa án
Ngăn chặn nhà đất chuyển nhượng, mua bán do đang tranh chấp

Nhà đất đang có tranh chấp được hiểu như thế nào?

Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Như vậy, có thể hiểu đất đang bị tranh chất là loại đất tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tranh chấp về ranh giới thửa đất, nghĩa vụ liên quan,… giữa người sử dụng đất hợp pháp với nhau hoặc với các chủ thể khác như hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, thậm chí là Nhà nước.

Ngoài ra, đất bị tranh chấp giữa hai chủ thể nhằm xác định quyền sử dụng đất cũng được xem là đất đang có tranh chấp.

Trên thực tế, các tranh chấp đất đai rất phong phú. Các tranh chấp thường gặp có thể kể đến là tranh chấp xác định chủ thể có quyền sử dụng đất, tranh chấp ranh giới, mốc giới, tranh chấp liên quan đến các giao dịch về quyền sử dụng đất (thừa kế di sản là đất, chuyển nhượng đất, tặng cho đất,…).

Hành vi tẩu tán nhà đất thường được thể hiện dưới dạng nào?

Các hành vi tẩu tán tài sản tinh vi hiện nay
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn tẩu tán tài sản

Hiện nay, pháp luật không có ghi nhận cụ thể thế nào là hành vi tẩu tán nhà đất. Do đó, việc xác định thế nào là hành vi tẩu tán tài sản là rất khó.

  • Căn cứ vào khoản 1 Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
  • Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án Dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung 2014 thì trong trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.
  • Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật THA dân sự có quy định, kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, tẩu tán tài sản là việc thực hiện các hành vi chuyển dịch quyền về tài sản như tặng cho, thế chấp, chuyển nhượng, trao đổi hoặc các giao dịch khác nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ mà thực tế người này phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định ngăn chặn

Đương sự có quyền đề nghị Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản theo khoản 10 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Theo Điều 112 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì:

  • Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.
  • Tại phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

Việc đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không loại trừ quyền khởi kiện của các bên. Tức là, trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.

Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Các trường hợp cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Điều kiện áp dụng biện pháp nhằm ngăn chặn tẩu tán nhà đất

Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Còn với các trường hợp khác, đương sự phải yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án mới xem xét chấp thuận.

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu

Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
  • Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

Ngoài ra, tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

Bước 2: Xử lý và quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu trước khi mở phiên tòa thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn:

  • Nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện xong biện pháp bảo đảm thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu.

Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì:

  • Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay hoặc sau khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm.
  • Nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay tại phòng xử án và ghi vào biên bản phiên tòa.

Riêng đối với trường hợp nhận được đơn yêu cầu đồng thời với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo thì:

  • Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về thủ tục ngăn chặn tẩu tán nhà đất do đang có tranh chấp. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới.

Bài viết nói về: Thủ tục ngăn chặn tẩu tán nhà đất do đang có tranh chấp - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT



0 comments

Đăng nhận xét

My maps