Tranh chấp giữa các thành viên doanh nghiệp giải quyết như thế nào?

No Comments

Tranh chấp giữa các thành viên doanh nghiệp hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng khi xác định loại quan hệ tranh chấp và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, loại tranh chấp này ngày càng nên phổ biến và phức tạp hơn. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về việc giải quyết tranh chấp trên.

Hình ảnh Tranh chấp giữa các thành viên doanh nghiệp Công ty Luật Long Phan PMT
Giải quyết sự bất đồng của các thành viên trong công ty

Tranh chấp giữa các thành viên doanh nghiệp

Tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 hiện hành có quy định tranh chấp giữa các thành viên doanh nghiệp là tranh chấp về kinh doanh thương mại, nhưng chưa có định nghĩa rõ ràng về loại tranh chấp này.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 quy định các tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau là các tranh chấp về:

  • Trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty;
  • Việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên của công ty;
  • Việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên và cổ phiếu có ghi tên;
  • Mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần hoặc về quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của thành viên công ty;
  • Quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty;
  • Việc thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể, về các vấn đề khác giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty;

Điểm c Khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết cũng nêu rõ nếu giữa các thành viên của công ty có tranh chấp với nhau, nhưng tranh chấp đó không liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty mà chỉ liên quan đến các quan hệ khác như quan hệ lao động, quan hệ dân sự (ví dụ: Tranh chấp về bảo hiểm xã hội, về trợ cấp cho người lao động, về hợp đồng lao động, về hợp đồng vay, mượn tài sản,…) thì tranh chấp đó không phải là tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà tùy từng trường hợp cụ thể để xác định đó là tranh chấp về dân sự.

Cơ chế giải quyết tranh chấp

Hình ảnh Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các thành viên doanh nghiệp của Công ty Luật Long Phan PMT.
Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các thành viên công ty

Theo điểm h Khoản 1 Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014 thì việc giải quyết tranh chấp giữa các thành viên doanh nghiệp ưu tiên áp dụng Điều lệ doanh nghiệp trong trường hợp Điều lệ có quy định và không trái pháp luật.

Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa Luật Doanh nghiệp và Điều lệ thì phải áp dụng Luật Doanh nghiệp, nhưng đối với các trường hợp Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp tự quy định chi tiết thì ưu tiên áp dụng Điều lệ doanh nghiệp.

Trình tự giải quyết tranh chấp

Cơ sở để tiến hành giải quyết tranh chấp giữa các thành viên trong cùng công ty
Giải quyết tranh chấp giữa các thành viên công ty theo Điều lệ công ty

Các bên có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp tỉnh để giải quyết tranh chấp (khoản 4 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012).

Hồ sơ khởi kiện bao gồm: đơn khởi kiện kèm theo bản sao y các loại giấy tờ chứng minh nhân thân và các tài liệu, giấy tờ chứng minh yêu cầu khởi kiện

Phương thức nộp:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án
  • Gửi qua đường bưu điện
  • Gửi trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện có đủ điều kiện thụ lý hay không. Đồng thời, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện để người khởi kiện đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Khi đó, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án và giải quyết vụ án theo đúng trình tự pháp luật.

Giải quyết tranh chấp tại Trọng tài Thương mại

Ngoài Tòa án, cơ quan Trọng tài Thương mại cũng có thể có thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp nếu có đủ điều kiện, cụ thể:

  • Tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trọng tài (Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài);
  • Các bên có thỏa thuận trọng tài (thỏa thuận không bị vô hiệu và có thể thực hiện được).

Trong trường hợp này, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện (Kèm theo thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan) gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn. Cơ quan Trọng tài sẽ xem hồ sơ khởi kiện và giải quyết theo trình tự pháp luật.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi hướng dẫn về việc giải quyết tranh chấp giữa các thành viên doanh nghiệp. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn pháp luật trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới.

Bài viết nói về: Tranh chấp giữa các thành viên doanh nghiệp giải quyết như thế nào? - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT



0 comments

Đăng nhận xét

My maps