Tư vấn luật sở hữu trí tuệ là một dịch vụ khá mới so với các dịch vụ tư vấn pháp luật khác. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tư vấn luật sở hữu trí tuệ đang trở nên phổ biến khi sản phẩm trí tuệ khẳng định được vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Trên thực tế ở Việt Nam, tư vấn luật sở hữu trí tuệ bao gồm những nội dung gì? Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về vấn đề này.
Tại sao bạn cần phải được tư vấn luật sở hữu trí tuệ?
Pháp luật sở hữu trí tuệ là một ngành luật trong hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay. Tuy ra đời muộn hơn một số ngành luật khác nhưng ngành luật này ngày càng trở nên cần thiết, phạm vi điều chỉnh được mở rộng. Đồng thời các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến.
Quyền sở hữu trí tuệ góp phần đem lại những giá trị kinh tế rất lớn không chỉ cho chủ thể sở hữu quyền mà còn đối với xã hội. Xuất phát từ đặc tính vô hình của sản phẩm trí tuệ, trên thực tế, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu diễn ra ngày càng phổ biến. Do đó, các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cần được tư vấn về pháp luật sở hữu trí tuệ để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chấm dứt các hành vi xâm phạm. Ngoài ra, hiểu biết về luật sở hữu trí tuệ góp phần giúp chủ sở hữu thực hiện được các quyền mà Nhà nước đã ghi nhận.
Thời điểm, căn cứ phát sinh quyền sở hữu trí tuệ được nhà nước bảo hộ
Các quyền sở hữu trí tuệ khác nhau có các đối tượng, đặc điểm khác nhau. Do đó, căn cứ để Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Trong đó, căn cứ theo Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì:
- Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
- Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
- Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này.
Các tranh chấp thường gặp hiện nay
Hiện nay, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất phổ biến. Để giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, trước hết phải xác định đây là một tranh chấp dân sự hay tranh chấp thương mại vì trình tự, thủ tục giải quyết hai loại tranh chấp này không hoàn toàn giống nhau. Ngoài ra, việc giải quyết loại tranh chấp này không hề dễ dàng vì tính vô hình của sản phẩm trí tuệ và ít tiền lệ giải quyết tranh chấp. Các tranh chấp thường gặp hiện nay có thể kể đến:
- Tranh chấp nhằm xác định ai là tác giả, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
- Tranh chấp giữa các cá nhân, tổ chức nhằm xác định chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;
- Tranh chấp về các quyền nhân thân, quyền tài sản;
- Tranh chấp về thừa kế quyền sở hữu trí tuệ;
- Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng sử dụng quyền sở hữu trí tuệ;
- Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dịch vụ quyền sở hữu trí tuệ;
- Tranh chấp về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,…
Tư vấn về phương thức xử lý khi có hành vi xâm phạm quyền
Xuất phát từ tính chất đặc thù của quyền sở hữu trí tuệ và căn cứ xác lập quyền đối với từng đối tượng sở hữu trí tuệ là khác nhau nên việc xác định hành vi xâm phạm quyền đối với từng đối tượng cũng khác nhau.
Khi phát sinh hành vi vi phạm quyền sử dụng trí tuệ, trước hết, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Ngoài ra, khi tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm trên quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, các cá nhân và tổ chức có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính, hình sự. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết khi phát sinh tranh chấp?
Đây là một loại tranh chấp đặc thù mà không chỉ Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Đối với việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết được quy định tại Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009 bao gồm:
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật;
- Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật;
- Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.
Trên đây là những nội dung tư vấn chính về chủ đề tư vấn luật sở hữu trí tuệ bao gồm những gì? Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới.
Bài viết nói về: Tư vấn luật sở hữu trí tuệ bao gồm những gì? - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT
0 comments
Đăng nhận xét