Hợp đồng thỏa thuận góp vốn thành lập công ty cổ phần

No Comments

Hợp đồng thỏa thuận góp vốn thành lập công ty cổ phần thường được ký kết trước khi cùng nhau hùn vốn mở công ty. Thực tế cho thấy có không ít những trường hợp thỏa thuận góp vốn nhưng không lập văn bản hoặc thỏa thuận thiếu chặt chẽ gây ra những hậu quả lớn khi đi vào thực hiện. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây khi thực hiện loại hợp đồng này.

thoa thuan ve hop dong gop von
Các bên thỏa thuận ký hợp đồng góp vốn khi thành lập công ty cổ phần

Góp vốn thành lập công ty cổ phần

Góp vốn thành lập công ty cổ phần là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo nên một khoản vốn nhất định phục vụ cho việc thành lập và duy trì công ty sau này, đây là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu chung của công ty.

  • Việc góp vốn thành lập công ty cổ phần là hành vi tạo dựng cơ sở vật chất để công ty có thể hoạt động, vì công ty cần phải có những khoản vốn nhất định để chuẩn bị cho quá trình hoạt động của công ty sau này.
  • Để ghi nhận sự kiện góp vốn, tránh rủi ro cho cả công ty và người góp vốn, việc góp vốn cần phải được lập thành văn bản.

Tài sản góp vốn

Theo quy định tại Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014 thì tài sản góp vốn có thể là:

  • Đồng Việt Nam,
  • Ngoại tệ tự do chuyển đổi,
  • Vàng,
  • Giá trị quyền sử dụng đất,
  • Giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật,
  • Các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Về nguyên tắc, mọi loại tài sản được pháp luật thừa nhận đều có thể được sử dụng để góp vốn. Tuy nhiên trên thực tế,các bên khi thỏa thuận góp vốn thành lập công ty có quyền tiếp nhận hoặc từ chối các loại tài sản cụ thể nếu nghi ngờ khi tiếp nhận loại tài sản góp vốn đó sẽ có khả năng phát sinh rủi ro.

Thời hạn góp vốn

thoi han gop von la 90 ngay
Thời hạn góp vốn là 90 ngày

Tại khoản 1 Điều 112 Luật doanh nghiệp 2014 quy định các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua.

Nội dung hợp đồng thỏa thuận góp vốn

Thỏa thuận về vốn là thỏa thuận quan trọng nhất trong hợp đồng thành lập công ty, đó còn có thể sử dụng tên gọi khác cho hợp đồng này là “Hợp đồng góp vốn thành lập công ty”:

  • Hợp đồng thỏa thuận góp vốn thành lập công ty cổ phần: là văn bản ghi nhận các nội dung về số vốn mà các cổ đông bỏ ra để hợp tác kinh doanh với nhau khi thành lập công ty cổ phần.
  • Văn bản này thường được các cổ đông sáng lập thống nhất và ký kết trước khi cùng nhau mở công ty.
  • Thỏa thuận này có ý nghĩa ngay cả khi công ty không được thành lập.
thoa thuan cu the trong hop dong gop von
Hợp đồng góp vốn cần đảm bảo các nội dung cơ bản

Việc thỏa thuận góp vốn khi thành lập công ty rất quan trọng vì có liên quan đến các vấn đề như trách nhiệm của các cổ đông hoặc để giải quyết tranh chấp liên quan đến vốn góp. Trong hợp đồng thỏa thuận góp vốn khi thành lập công ty cổ phần phải đảm bảo được các nội dung sau:

  • Thông tin ngày, tháng, năm, địa chỉ để lập hợp đồng;
  • Thông tin cụ thể của các cổ đông sáng lập như: Họ tên; ngày sinh; quốc tịch; số CMND; hộ khẩu thường trú;
  • Các thỏa thuận về việc góp vốn kinh doanh;
  • Thời gian cam kết góp đủ vốn của các cổ đông;
  • Thỏa thuận phân chia lợi nhuận;
  • Cơ chế giải quyết tranh chấp;
  • Điều khoản bất khả kháng;
  • Biên bản thỏa thuận về các chức danh trong công ty như ai là Giám đốc/Tổng giám đốc/Người phụ trách từng bộ phận; …

Chủ thể trong hợp đồng

Chủ thể trong hợp đồng góp vốn có thể là tổ chức hoặc cá nhân, số lượng cổ đông tối thiểu để góp vốn thành lập công ty cổ phần là 03 và không hạn chế số lượng tối đa.

Điều khoản góp vốn

Cần lưu ý rằng các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn đã góp vào doanh nghiệp. Trong điều khoản góp vốn cần thỏa thuận rõ:

  • Số vốn góp và phần vốn góp của từng thành viên;
  • Tổng số vốn điều lệ của công ty;
  • Loại tài sản dùng để góp vốn: Tiền mặt, tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, bất động sản…
  • Phương thức góp vốn: góp bằng tiền mặt, hình thức chuyển khoản, kí séc…
  • Định giá tài sản góp vốn;
  • Thời gian cam kết góp đủ vốn của các cổ đông;
  • Thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn góp,…

Giá trị vốn góp

Khi soạn thảo điều khoản xác định giá trị vốn góp, Điều 37 Luật Doanh nghiệp có quy định các chủ thể có thẩm quyền thẩm định giá tài sản góp vốn là:

  • Cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí;
  • Tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp, trường hợp này phải được đa số cổ đông sáng lập đồng ý.

Cần lưu ý quy định rõ về điều kiện góp vốn bằng:

  • Loại vốn góp là bất động sản, Giá trị thuê mặt bằng: chú ý đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện chuyển giao trong giao lưu dân sự một cách hợp pháp. Kèm thêm điều kiện người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sang tên từ cá nhân sang pháp nhân là công ty cổ phần),
  • Giá trị nhân công lao động (được định giá theo nguyên tắc nhất trí), …

Tỷ lệ vốn góp

Đối với điều khoản xác định tỷ lệ chuyển đổi từ vốn góp tương đương với bao nhiêu cổ phần: tỷ lệ góp vốn là phần góp vốn của thành viên khi sáng lập công ty so với tổng vốn điều lệ.

Rút, chuyển nhượng cổ phần

Cổ đông nếu muốn quyết định rút vốn góp có thể thực hiện bằng cách:

  • Yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình: khi cổ đông phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại điều lệ công ty.
  • Chuyển nhượng cổ phần.

Luật Doanh nghiệp cho phép cổ đông tự do chuyển nhượng cổ phần của mình, trừ các trường hợp sau:

  • Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho người khác (không phải cổ đông sáng lập) nếu được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận;
  • Trong trường hợp Điều lệ công ty có quy định về việc hạn chế chuyển nhượng và được nêu rõ trong cổ phiếu.

Thỏa thuận phân chia lợi nhuận

Lợi nhuận được trả cho thành viên công ty là cổ túc. Đây là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính.

Để có thể xác định được lợi nhuận, trước tiên phải làm rõ nội dung mà cam kết về việc hưởng quyền chia lợi nhuận với công ty như thế nào trong điều lệ công ty (các thành viên sẽ được chia lợi nhuận theo nguyên tắc trong Điều lệ) hoặc Chính sách chia cổ tức dựa vào nghị quyết mà hội đồng quản trị thống nhất. Ngoài ra, cần xem xét cổ phần góp vốn là loại cổ phần gì.

Lợi nhuận sẽ được chia dựa vào số cổ phần mà mỗi thành viên sở hữu trong công ty. Việc chia cổ tức được tính như sau: tỷ lệ chi trả cổ tức  = cổ tức một cổ phần/thu nhập một cổ phần.

Cơ chế giải quyết tranh chấp

Khi có tranh chấp, giải pháp đầu tiên các bên cần làm là ngồi lại thỏa thuận, thương lượng với nhau để nếu có thể thì sẽ điều chỉnh lại hợp đồng góp vốn theo hướng đảm bảo lợi ích các bên.

Nếu các bên không thể thương lượng thì có thể thực hiện thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi bị xâm phạm. Vì vậy ở điều khoản này cần quy định các vấn đề về luật áp dụng để giả quyết, cơ quan giải quyết khi có tranh chấp.

Khi có những trường hợp phức tạp, việc góp vốn không thể quy định gói gọn trong một điều khoản của hợp đồng, lúc này nên lập phụ lục hoặc những hợp đồng phụ như:

  • Hợp đồng góp vốn bằng tài sản hữu hình (không phải tiền Việt Nam hay ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng): các thành viên cần định giá tài sản theo nguyên tắc nhất trí để quy đổi thành tiền.
  • Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất: cần ghi rõ diện tích, loại đất, vị trí, dố hiệu trên bản đồ địa chính, tình trạng sử dụng đất, thời hạn thuê đất còn lại (nếu có),…
  • Hợp đồng góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ…

Trên đây là bài viết hướng dẫn soạn thảo hợp đồng thỏa thuận góp vốn thành lập công ty cổ phần. Quý bạn đọc nếu có nhu cầu được tư vấn pháp lý liên quan đến quy định về công ty cổ phần, xin vui lòng gọi ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Hợp đồng thỏa thuận góp vốn thành lập công ty cổ phần
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng



May 01, 2020 at 01:00PM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps