Hướng dẫn xin giảm nhẹ án phạt của tội cố ý gây thương tích

No Comments

Xin giảm nhẹ án phạt của tội cố ý gây thương tích khi có các căn cứ về tình tiết giảm nhẹ như thành thật ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, giúp đỡ cơ quan chức năng nhanh chóng làm sáng tỏ nội dung vụ án,… Mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này.

dieu 134 bo luat hinh su
Tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 BLHS hiện hành

Tội cố ý gây thương tích

Cố ý gây thương tích là hành vi nguy hiểm cho xã hội, thể hiện bằng hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây hại đến sức khỏe người khác, được xác định bằng thương tích cụ thể. Đây là hành vi xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của con người.

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định các loại tội cố ý gây thương tích như sau:

  • Điều 134 quy định về Tội cố ý gây thương tích nếu người nào cố ý gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp BLHS quy định, thì tùy mức độ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù lên tới 20 năm hoặc tù chung thân.
  • Điều 135 quy định về Tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh khiến cho người khác có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù.
  • Điều 136 quy định về Tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội: tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại từ 31% đến 60%, thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, trường hợp đặc biệt có thể bị phạt tù đến 3 năm.

Chủ thể của hành vi cố ý gây thương tích ngoài việc phải chấp hành trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ theo Điều 590 Bộ luật dân sự 2015.

Căn cứ giảm nhẹ hình phạt

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết ảnh hưởng đến mức độ trách nhiệm hình sự của trường hợp phạm tội cụ thể theo hướng làm giảm xuống so với trường hợp bình thường. Tòa án có thể căn cứ vào đó để xử phạt nhẹ hơn mức bình thường hoặc tha miễn hình phạt cho bị cáo.

dieu kien giam nhe an phat
Căn cứ giảm nhẹ hình phạt được quy định tại Điều 51 BLHS hiện hành

Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Một số tình tiết giảm nhẹ đối với tội cố ý gây thương tích có thể kể đến như:

  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường và khắc phục hậu quả do mình gây ra;
  • Phạm tội trong trường hợp phòng vệ chính đáng;
  • Phạm tội trong trường hợp trợ giúp bắt giữ tội phạm;
  • Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
  • Bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
  • Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
  • Chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
  • Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
  • Bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
  • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
  • Bị người khác dụ dỗ, đe dọa, ép buộc;
  • Phạm tội do lạc hậu, trình độ văn hóa thấp;
  • Người phạm tội bị khuyết tật, tâm thần;
  • Người phạm tội tự thú,…

Để xin giảm nhẹ án phạt của tội cố ý gây thương tích, cần đặc biệt chú ý đến hoàn cảnh phạm tội và lỗi của nạn nhân.

Cần chứng minh nguyên nhân thực hiện hành vi gây thương tích cho người khác là do có hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra khiến cho người phạm tội phải phòng vệ chính đáng dẫn đến gây tổn hại sức khỏe của nạn nhân, hoặc hoàn cảnh phạm tội là trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó,…..

Làm gì để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt

Hình phạt là biện pháp nghiêm khắc nhất nhằm giáo dục, trừng trị người phạm tội, tuy nhiên, tùy theo tính chất mức độ hành vi vi phạm, lỗi, sự ăn năn hối cải của người phạm tội mà tòa án dựa vào đó để làm căn cứ để giảm án phạt đến mức thấp nhất.

Trong quá trình giải quyết vụ án người bị hại có thể làm đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo gửi Viện kiểm sát và Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc. Mẫu đơn xin giảm nhẹ hình phạt cần có các thông tin như:

  • Mối quan hệ với người được viết đơn (ví dụ như anh/chị/em/cha/mẹ/vợ/con …) hoặc tư cách tham gia tố tụng nếu trực tiếp viết đơn;
  • Họ, tên người được xin giảm nhẹ;
  • Thông tin vụ án;
  • Nội dung về nhân thân nếu có các tình tiết: nhân thân tốt, phạm tội lần đầu; là người có nhiều thành tích trong công tác; gia đình có công với Cách mạng (bố mẹ, ông bà là người có công với Cách mạng)…
  • Trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn (nếu có): là trụ cột cho gia đình; có con nhỏ; vợ chồng/con cái/bố mẹ ốm đau phải chăm sóc…;
  • Trình bày vắn tắt việc đã tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả (nếu có)….

Yêu cầu luật sư tham gia bào chữa

Trường hợp đang bị công an triệu tập vì hành vi cố ý gây thương tích cho người khác, có thể nhờ Luật sư hỗ trợ tham gia trong quá trình tiến hành tố tụng. Luật sư sẽ giúp bị can, bị cáo giải quyết những vấn đề như:

  • Tìm chứng cớ quan trọng trong vụ án;
  • Tìm các tình tiết giảm nhẹ hoặc miễn tội cho thân chủ;
  • Soạn hồ sơ, luận cứ để biện hộ trước tòa;
  • Cam kết giúp bị can giảm mức hình phạt xuống thấp nhất có thể đối với tội cố ý gây thương tích cho người khác, …..

Kháng cáo

Nếu thấy việc xét xử của tòa án là chưa khách quan, chưa đúng pháp luật thì bị cáo có quyền kháng cáo để kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt và có quyền yêu cầu luật sư tham gia bào chữa trong vụ án đó tại cấp phúc thẩm.

Mẫu đơn kháng cáo vụ án hình sự là mẫu đơn được cá nhân gửi tới tòa án nhân dân về việc kháng cáo vụ án hình sự, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét và giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội.

Đơn kháng cáo cần nêu rõ tên người làm đơn, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, lý do xin kháng cáo…

Đối với nội dung kháng cáo về việc xem xét giảm hình phạt của tội cố ý gây thương tích, cần nêu các căn cứ là tình tiết giảm nhẹ tội như về hoàn cảnh phạm tội, chưa có tiền án tiền sự, luôn chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, thật sự đã nhận ra khuyết điểm và thành thật ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, giúp đỡ cơ quan chức năng nhanh chóng làm sáng tỏ nội dung vụ án, …

lam don giam nhe an phat
Kháng cáo về việc xem xét giảm hình phạt

Trên đây là bài viết hướng dẫn xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích của chúng tôi. Quý bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp lý, xin vui lòng gọi ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Hướng dẫn xin giảm nhẹ án phạt của tội cố ý gây thương tích
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Hà Ngọc Tuyền



April 10, 2020 at 10:00AM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps