Án phí trong vụ án tranh chấp đất đai là nghĩa vụ của đương sự khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc. Mức án phí được pháp luật quy định cụ thể trong từng loại tranh chấp. Phạm vi bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc biết được mức án phí phải nộp cho Tòa trong vụ án tranh chấp đất đai.
Khi nào phải nộp án phí tranh chấp đất đai?
Án phí là khoản chi phí về xét xử một vụ án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định mà đương sự phải nộp vào ngân sách nhà nước. Pháp luật quy định mức án phí tùy theo cấp xét xử (sơ thẩm hoặc phúc thẩm) và tùy theo vụ việc tranh chấp.
Khi bắt đầu khởi kiện vụ án giải quyết tranh chấp đất đai, người nộp đơn khởi kiện (nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) sẽ là người thực hiện nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí để Tòa án tiến hành thụ lý vụ án, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Chủ thể chịu án phí trong vụ án tranh chấp đất đai
Căn cứ quy định tại (Điều 147 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015) và (khoản 2 Điều 26 Nghị định số 326/2016/UBTVQH14) thì chủ thể chịu án phí trong vụ án tranh chấp đất đai là:
- Đương sự (người khởi kiện) phải chịu án phí sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.
- Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
- Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.
- Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.
- Các bên đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.
- Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.
- Trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết theo quy định.
Cách xác định án phí trong vụ án tranh chấp đất đai
Đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định quy định tại (Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14) như sau:
- Trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;
- Trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.
Đối với tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
- Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vô hiệu và đều không có yêu cầu gì khác
- Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì bên yêu cầu công nhận hợp đồng phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
- Nếu Tòa án tuyên bố công nhận hợp đồng thì bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
- Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vô hiệu và có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì phải chịu án phí không có giá ngạch.
- Bên cạnh đó phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc bồi thường thiệt hại phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với giá trị tài sản phải thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, một bên yêu cầu trả lại tiền, đặt cọc và phạt cọc, một bên chấp nhận trả số tiền cọc đã nhận và không chấp nhận phạt cọc, mà Tòa án chấp nhận phạt cọc thì bên không chấp nhận phạt cọc phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với phần phạt cọc.
Trường hợp Tòa án không chấp nhận phạt cọc thì bên yêu cầu phạt cọc phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với phần phạt cọc.
Trường hợp kiện hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch.
Trường hợp miễn án phí trong vụ án tranh chấp đất đai
Theo quy định tại (điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14) quy định miễn tiền tạm ứng án phí, án phí đối với một số đối tượng, cụ thể như sau:
- Trẻ em là người dưới 16 tuổi (theo Điều 1 – Luật Trẻ em số 102/2016/QH13);
- Cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;
- Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, không còn khả năng lao động (theo Điều 2 – Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12);
- Người khuyết tật;
- Người có công với cách mạng theo khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi bổ sung số 04/2012/UBTVQH13;
- Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
- Thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
Mức án phí trong vụ án tranh chấp đất đai
Án phí tranh chấp đất đai được xác định theo quy định tại (tiểu mục 1.1; 1.3 mục 1 và tiểu mục 2.1 mục 2 phần I Danh Mục Án Phí Tòa Án Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016) được tính như sau:
Trường hợp không yêu cầu xác định giá trị tài sản mà chỉ yêu cầu xem xét quyền sở hữu mảnh đất thì mức án phí đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch là 300.000 đồng.
Trong trường hợp có yêu cầu Tòa án xác định giá trị tài sản thì mức án phí được xác định như sau:
- Từ 6.000.000 đồng trở xuống thì mức án phí phải nộp cho Tòa là 300.000 đồng
- Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng thì mức án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp
- Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng mức án phí là 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
- Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng thì mức án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng
- Tài sản có giá trị từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng thì mức án phí phải nộp là 72.000.000.000.000 đồng thì mức án phí là 112.000.000 đồng + 0.1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện tương tự thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khác theo quy định tại (Điều 202 và Điều 203 Luật Đất đai 2013).
Bài viết trên đây cũng đã phần nào giúp bạn đọc hiểu và biết được mức án phí trong vụ án tranh chấp đất đai. Trường hợp quý bạn đọc có thắc mắc về nội dung trên hoặc có nhu cầu gặp trực tiếp luật sư để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc pháp lý cụ thể liên quan đến tranh chấp đất đai, xin vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua hotline bên dưới. Xin cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
Bài viết nói về: Cách tính án phí trong vụ án tranh chấp đất đai
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng
April 07, 2020 at 01:00PM
0 comments
Đăng nhận xét