Làm giả giấy xác nhận độc thân khi mua bán nhà đất là một hình thức làm giả giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền. Đây là một hành vi vi phạm quy định pháp luật vì thẩm quyền để cấp loại giấy tờ này thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã.
Mua bán đất phải xin giấy xác nhận độc thân
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (giấy chứng nhận độc thân) trong trường hợp chưa kết hôn là bắt buộc để hoàn thiện hồ sơ công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Đây là giấy tờ chứng minh đất mà mua trước thời kỳ hôn nhân (trước khi đăng ký kết hôn) là tài sản riêng để có quyền sử dụng, bán, tặng cho…(căn cứ vào khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
- Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì những tài sản là bất động sản được xác lập trong thời kỳ hôn nhân thì được coi là tài sản chung của hai vợ, chồng, khi muốn chuyển nhượng phần đất này thì phải được sự đồng ý của cả chồng và vợ.
Luật đất đai cũ không yêu cầu bắt buộc phải ghi tên cả vợ và chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đã gây khó khăn trong việc quản lý việc chuyển nhượng bất động sản, cho nên trong thực tế khi mua bán đất thì cơ quan có thẩm quyền thường sẽ yêu cầu bên nhận chuyển nhượng phải cung cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của mình để chứng minh về tài sản chung, tài sản riêng của cá nhân.
Giấy xác nhận độc thân giả
Thủ tục xác nhận độc thân tại Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
- Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
- Quy định tại Khoản 1 Điều này cũng được áp dụng để cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, nếu có yêu cầu.
Việc sử dụng giấy tờ giả là một hành vi vi phạm pháp luật, khi nó được dùng để lừa dối, “che mắt” các cơ quan, tổ chức, công dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các cơ quan, tổ chức, công dân, nhất là trong các giao dịch mua bán, thế chấp nhà, đất…
Có thể hiểu giấy xác nhận độc thân giả tức là:
- Những giấy tờ không được làm ra theo đúng quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định,
- Không do cơ quan có thẩm quyền cấp một cách hợp pháp mà được làm ra với bề ngoài giống như thật, nhằm mục đích “đánh lừa”, lừa dối các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để phục vụ các mục đích vụ lợi hoặc phục vụ mục đích khác theo nhu cầu của cá nhân.
“Giấy tờ giả” được làm ra và được đem đi sử dụng để lừa dối cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích riêng của mình, có thể xuất phát từ lý do cần bổ sung loại giấy tờ này vào hồ sơ mua bán nhà đất để để lợi dụng lòng tin của người khác, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản chung của vợ/chồng…
Làm giả giấy xác nhận độc thân khi mua bán nhà đất thì có bị đi tù không?
Sử dụng giấy tờ giả không chỉ ảnh hưởng đến lòng tin, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp nhận loại giấy tờ này từ người sử dụng giấy tờ giả, mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho người có thông tin bị đưa ra để làm giấy tờ giả.
Việc sử dụng giấy tờ giả còn là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự quản lý xã hội, là cơ sở tạo ra điều kiện phạm tội của các trường hợp khác, ví dụ người sử dụng giấy tờ giả để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
- Đối với người có hành vi sử dụng giấy xác nhận độc thân giả thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt là có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc bị phạt tù đến 07 năm tù tùy theo từng mức độ vi phạm.
- Đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ có thể bị xử phạt hành chính.
- Ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính thì tùy thuộc vào đối tượng người vi phạm là ai, mà trong một số trường hợp, người thực hiện hành vi sử dụng giấy tờ giả còn có thể bị xử lý kỷ luật với những mức độ khác nhau.
Để trả lời câu hỏi “làm giả giấy xác nhận giấy độc thân khi mua bán nhà đất thì có bị đi tù không?”, trước tiên cần làm rõ giao dịch mua bán nhà đất đó là thật hay giả và mục đích của việc làm giả giấy tờ là vì lý do gì.
- Nếu hành vi làm giả giấy tờ nhằm mục đích lừa đảo để chiếm đoạt tài sản thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và Điều 341 (Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức) của BLHS hiện hành.
- Nếu hành vi làm giả giấy tờ nhưng không nhằm mục đich vi phạm pháp luật thì có thể bị xử phạt hành chính.
Vậy tùy từng trường hợp cụ thể mà việc làm giả giấy xác nhận độc thân có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự. Trường hợp hành vi này có đủ yếu tố cấu thành các tội khác theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tù tùy theo mức độ vi phạm và mức phạt mà Tòa án xét xử.
Trên đây là phân tích của chúng tôi về vấn đề làm giả giấy xác nhận độc thân khi mua bán nhà đất. Quý bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đất đai, xin vui lòng gọi ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
Bài viết nói về: Làm giả giấy xác nhận độc thân khi mua bán nhà đất thì có bị đi tù không?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Hà Ngọc Tuyền
April 22, 2020 at 10:00AM
0 comments
Đăng nhận xét