Cách thức bảo vệ bản thân khi bị dọa giết ?

No Comments

Bảo vệ bản thân khi bị dọa giết là tránh khỏi những hành vi nguy hiểm của người khác. Hành vi dọa giết người được pháp luật điều chỉnh và bị xử lý theo quy định. Để biết được cách thức thoát khỏi những hành động xấu xa của người khác, quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây.

bao ve ban than khi bi doa
Dọa giết người bằng tin nhắn điện thoại là hình thức khá phổ biến hiện nay

Dấu hiệu pháp lý của tội dọa giết người

Hành vi dọa giết người xảy ra thường xuyên trong xã hội hiện nay. Hành vi được xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như vì mâu thuẫn nhỏ cũng có thể dọa giết nhau, vay nợ tiền nhưng chưa kịp trả, đòi nợ

Hành vi đe dọa giết người có thể cấu thành tội dọa giết người theo quy định tại (Điều 133 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017). Hành vi của người đe dọa giết người làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa sẽ được thực hiện.

Chủ thể

Người phạm tội đe dọa giết người là người từ đủ 16 tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại (Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017). Tuy nhiên, người chưa thành niên phạm tội này có thể được miễn trách nhiệm hình sự đối với tội này, nếu gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Khách thể

Hành vi dọa giết xâm phạm đến quyền được sống, được bảo vệ tính mạng của một công dân

Khách quan

Người bị coi là tội phạm là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác, có hành vi làm cho người bị đe dọa có căn cứ tin rằng tính mạng của họ đang bị xâm phạm.

Được thực hiện bằng nhiều hình thức đe dọa khác nhau như dùng những lời lẽ trực tiếp khiến người khác sợ hoặc gián tiếp thông qua tin nhắn điện thoại, thư từ hăm dọa giết, bằng công cụ, phương tiện như dao, vật nhọn để uy hiếp người.

Hình thức phổ biến đe dọa giết hiện nay là nhắn tin, đe dọa người khác để đòi tiền. Để kết tội đe dọa thì nội dung tin nhắn có việc dọa giết, đồng thời nội dung và phương thức nhắn tin khiến người bị đe dọa thật sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Đe dọa giết người ảnh hưởng, quấy rối tâm lý đến người bị đe dọa, thực sự lo lắng một cách có căn cứ. Đây được xem là yếu tố quan trọng cấu thành nên tội. Tình trạng tâm lý lo sợ được dựa vào những tình tiết sau:

  • Nội dung và hình thức đe dọa
  • Thời gian, địa điểm, hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra
  • Tương quan giữa bên đe dọa và người bị đe dọa
  • Thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa

Chủ quan

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra sự lo sợ cho người khác, có thể dẫn đến hậu quả như lời đe dọa nhưng vẫn để mặc hành vi xảy ra.

Hình thức xử lý tội dọa giết người theo quy định pháp luật

quy dinh toi doa giet nguoi
Căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xem xét tội danh dọa giết người theo quy định

Pháp luật là hành lang pháp lý bảo vệ tốt nhất quyền của con người, xử lý nghiêm minh mọi loại tội phạm. Khung hình phạt đối với tội dọa giết người được quy định cụ thể tại (Điều 133 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017).

Đe dọa giết người được coi là tội phạm ít nghiêm trọng. Khung hình phạt cơ bản của tội phạm này có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, được áp dụng cho các trường hợp tội không có tình tiết định khung tăng nặng.

Khung tăng nặng có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, được áp dụng cho trường hợp phạ tội có một trong những tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại khoản 2 cụ thể là:

  • Đối với 2 người trở lên
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
  • Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân
  • Đối với người dưới 16 tuổi
  • Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Biện pháp bảo vệ bản thân khi bị dọa giết người

to cao ke doa giet nguoi
Tố giác người có hành vi dọa giết người đến cơ quan cảnh sát điều tra

Để hạn chế và bảo đảm an toàn cho bản thân khi bị người khác đe dọa giết người, người bị hại cần giữ tâm lý bình tĩnh và tố cáo hành vi của người đe dọa giết người đến cơ quan điều tra công an theo quy định tại (khoản 1 Điều 144 BLTTHS 2015).

Người bị đe dọa cần cung cấp cho cơ quan điều tra các bằng chứng, chứng cứ cho rằng mình bị đe dọa như tin nhắn, thư từ để cơ quan điều tra có thông tin khi giải quyết vụ việc.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

  • Quyết định khởi tố
  • Không khởi tố vụ án hình sự

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng theo quy định tại (khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC).

Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu hình sự, Cơ quan điều tra có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo (khoản 4 Điều 97 Nghị định 174/2013/NĐ-CP).

Nội dung đơn tố cáo

  • Ngày, tháng, năm làm đơn
  • Tên đơn (Đơn tố cáo hành vi dọa giết người)
  • Tên cơ quan tiếp nhận đơn (Cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện)
  • Họ tên, nơi cư trú, số điện thoại của người tố cáo
  • Họ tên, nơi cư trú, số điện thoại (nếu có) của người bị tố cáo
  • Trình bày nội dung sự việc (các dấu hiệu của người bị tố cáo có hành vi dọa giết người theo quy định tại (Điều 133 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017)
  • Yêu cầu cơ quan công an giải quyết
  • Bằng chứng kèm theo để cơ quan công an xác minh, điều tra (hình ảnh, tin nhắn điện thoại dọa giết, thư từ,…)

Bài viết trên đây hướng dẫn cách xử lý bảo vệ bản thân khi bị dọa giết người. Nếu có thắc mắc hoặc có nhu cầu gặp trực tiếp luật sư để tư vấn khi bị dọa giết người, quý bạn đọc vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua hotline để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Cách thức bảo vệ bản thân khi bị dọa giết ?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Hà Ngọc Tuyền



April 14, 2020 at 01:00PM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps