Hợp đồng cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm không

No Comments

Hợp đồng cộng tác viên được xem là một loại hợp đồng, tuy nhiên quyền và nghĩa vụ của hợp đồng cộng tác viên sẽ có nhiều điểm khác biệt so với các loại hợp đồng còn lại đặc biệt là về chế độ đóng bảo hiểm. Phạm vi bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc biết được về quy định về việc đóng bảo hiểm của loại hợp đồng này.

quy dinh hop dong cong tac vien
Căn cứ vào tính chất của hợp đồng cộng tác viên để xem xét việc đóng bảo hiểm

Hợp đồng cộng tác viên là gì ?

Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng được ký kết giữa tổ chức với cá nhân, làm việc theo chế độ cộng tác và không thuộc biên chế của tổ chức đó. Cộng tác viên được trả thù lao theo từng công việc hoàn thành, hoặc theo tiến độ thực hiện công việc.

Các doanh nghiệp thường tuyển dụng cộng tác viên để thực hiện, hỗ trợ các công việc trong thời hạn nhất định, địa điểm làm việc tự do, thù lao được trả gói gọn theo công việc được giao và cách thức trả là tạm ứng hoặc thanh toán khi hoàn thành công việc.

Khi nào không phải đóng bảo hiểm hợp đồng cộng tác viên ?

Bản chất của hợp đồng cộng tác viên là một sự thỏa thuận dân sự. Hợp đồng cộng tác viên được xem là một loại hợp đồng dịch vụ theo quy định tại (Điều 513 Bộ luật dân sự 2015).

Cụ thể hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ, trong đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc là cộng tác viên và bên thuê dịch vụ là bên nhận cộng tác viên làm việc, đồng thời phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Quyền và nghĩa vụ của hợp đồng cộng tác viên là tương đương nhau, được giao kết để đảm bảo thực hiện công việc. Hai bên giao kết hợp đồng công tác không phát sinh quan hệ lao động nên trong trường hợp này hợp đồng cộng tác viên không phải đóng bảo hiểm.

Trường hợp hợp đồng cộng tác viên phải đóng bảo hiểm

dong bao hiem hop dong cong tac vien
Hợp đồng cộng tác viên chỉ được đóng bảo hiểm khi đó được xem là hợp đồng lao động

Trong trường hợp doanh nghiệp tuyển dụng người lao động dưới hình thức cộng tác viên thì hợp đồng cộng tác viên được xem là hợp đồng lao động, lúc này sẽ phát sinh quan hệ lao động theo quy định tại (khoản 6 Điều 3 Bộ luật lao động 2012).

Hợp đồng lao động được giao kết với cộng tác viên bao gồm:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn (là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực hợp đồng)
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.  

Bên cộng tác phải đảm bảo tuân thủ, chịu sự ràng buộc nhất định theo các quy định, quy chế của công ty (tuân theo thời gian thử việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, thực hiện công việc, chế độ lương, phụ cấp,…) và cũng tùy theo thời hạn ký kết hợp đồng mà xác định loại hợp đồng để thực hiện đóng bảo hiểm.

Về bảo hiểm xã hội (bhxh) thì theo quy định tại (điểm a và  điểm b Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014) đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
  • Người làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Đối tượng này được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc kể từ ngày 01/01/2018.

Về bảo hiểm y tế (bhyt) thì theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 đối tượng phải tham gia đóng bhyt bao gồm:

  • Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên
  • Người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương
  • Cán bộ, công chức, viên chức.

Về bảo hiểm thất nghiệp (bhtn) quy định tại (khoản 1 Điều 43 Luật việc làm 2013) đối tượng phải tham gia bhtn bao gồm:

  • Người lao động khi làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Mức đóng và tiền lương đóng bảo hiểm

dong tien bao hiem hop dong cong tac vien
Tùy theo loại bảo hiểm mà cộng tác viên sẽ đóng ở những mức đóng khác nhau

Mức đóng bảo hiểm

Căn cứ theo (Quyết định 595/QĐ-BHXH) thì mức đóng bảo hiểm được quy định như sau:

  • Bảo hiểm xã hội đối với cộng tác viên là 8%, người sử dụng lao động đóng 17,5%
  • Bảo hiểm y tế của cộng tác viên đóng 1,5% còn người sử dụng lao động là 3%
  • Bảo hiểm thất nghiệp mà cộng tác viên phải đóng là 1% và người sử dụng lao động là 1%.

Tiền lương đóng bảo hiểm

Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm bắt buộc quy định không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

  • Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng
  • Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%, công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Hợp đồng cộng tác viên có phải nộp thuế TNCN ?

Tại (điểm c khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC) hướng dẫn: Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm: Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật,…

Căn cứ (khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC) thì hợp đồng cộng tác việc có thu nhập hàng tháng từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị khấu trừ 10% thu nhập.

Nếu trong thời gian làm cộng tác viên tại công ty mà chỉ có thu nhập duy nhất tại công ty thì làm cam kết (theo mẫu 02/CK-TNCN) gửi tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Bài viết trên đây cũng đã phần nào giúp bạn đọc hiểu được về quy định đóng bảo hiểm của hợp đồng cộng tác viên. Nếu có nhu cầu tư vấn trực tiếp từ Luật sư về lĩnh vực hợp đồng, quý bạn đọc vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua hotline bên dưới. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Hợp đồng cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm không
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng



April 15, 2020 at 10:00AM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps