Thủ tục đòi lại tài sản nhờ gửi giữ là nội dung có nhiều thắc mắc cần sự tư vấn khi phát sinh tranh chấp. Trên thực tế, có nhiều trường hợp xảy ra mâu thuẫn khi bên nhận gửi giữ tài sản vi phạm nghĩa vụ của mình. Pháp luật có quy định vấn đề này và cách giải quyết trong Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Quy định của pháp luật về tài sản
Tài sản là vấn đề trung tâm của mọi quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng, đóng một vai trò quan trọng trong Bộ luật dân sự. Theo quy định tại (Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015) thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản.
Tài sản là vật cần đáp ứng các điều kiện:
- Là bộ phận của thế giới vật chất;
- Con người chiếm hữu được;
- Mang lại lợi ích cho chủ thể;
- Có thể đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai.
Tài sản là tiền: là loại tiền có giá trị đang được lưu hành trên thực tế, tức là được pháp luật thừa nhận mới được coi là tài sản. Tiền là công cụ thanh toán đa năng, là công cụ tích lũy tài sản và là thước đo giá trị.
Tài sản là giấy tờ có giá (tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như séc, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, công trái,…) là:
- Giấy tờ trị giá được bằng tiền; và,
- Chuyển giao được trong giao lưu dân sự.
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm:
- Quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ,
- Quyền sử dụng đất
- Các quyền tài sản khác.
Hợp đồng gửi giữ tài sản
Theo (Điều 554 Bộ luật dân sự 2015) quy định thì Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó:
- Bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản; và
- Trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng,
- Bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Hợp đồng gửi giữ tài sản là hợp đồng song vụ. Tức là:
- Bên giữ có quyền yêu cầu bên nhận giữ phải bảo quản tài sản gửi giữ và trả lại tài sản khi hết hạn hợp đồng hoặc theo yêu cầu;
- Bên nhận giữ có quyền yêu cầu bên gửi phải nhận lại tài sản, khi hết hạn hợp đồng và trả tiền gửi tài sản theo thỏa thuận.
Đối tượng của hợp đồng gửi giữ tài sản là tài sản được tự do lưu thông, có thể là động sản hoặc bất động sản. Đối với tài sản khó bảo quản hoặc tài sản có tính chất dễ cháy, độc hại,.. thì người gửi giữ phải đóng gói theo quy định của pháp luật.
Người nhận giữ tài sản phải có đầy đủ phương tiện như kho, bãi, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho tài sản và đề phòng những trường hợp rủi ro xảy ra.
Hợp đồng gửi giữ chấm dứt trong những trường hợp sau:
- Hết hạn hợp đồng;
- Một trong các bên hủy hợp đồng, yêu cầu chấm dứt hợp đồng do không còn điều kiện gửi giữ;
- Tài sản bị tiêu hủy, bị mất do trở lực khách quan.
Trách nhiệm bồi thường khi vi phạm hợp đồng
Căn cứ vào (Điều 556 của Bộ luật dân sự) thì quyền của bên gửi tài sản là:
- Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý;
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Bên cạnh đó, (Điều 557 Bộ luật dân sự 2015) quy định về nghĩa vụ của bên giữ tài sản là phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ (trừ trường hợp bất khả kháng).
Khi quyền của bên gửi tài sản bị xâm phạm thì các bên có thể tiến hành giải quyết vụ việc bằng cách tự tiến hành thỏa thuận số tiền bồi thường thiệt hại. Hoặc nếu không tự thỏa thuận được, mà có tranh chấp thì bên gửi tài sản có quyền gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân quận, huyện nơi người nhận giữ tài sản cư trú, làm việc để giải quyết.
Thời gian để giải quyết một vụ dân sự trong trường hợp này nếu không có nhiều tình tiết phức tạp thì là khoảng trên 4 tháng theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Vậy, khi có sự vi phạm hợp đồng gửi giữ, bên giữ tài sản phải có trách nhiệm nếu gây thiệt hại, làm mất hoặc làm hư hỏng tài sản gửi giữ trong hợp đồng. Mức bồi thường do các bên tự thỏa thuận hoặc nếu không thể thỏa thuận với nhau thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm của bên vi phạm.
Trường hợp tài sản nhờ gửi giữ là bất động sản
Như đã phân tích, đối tượng của hợp đồng gửi giữ tài sản là tài sản được tự do lưu thông, có thể là động sản hoặc bất động sản. Trường hợp tài sản nhờ gửi giữ là bất động sản bị chiếm đoạt thì cần người có bất động sản có quyền đòi lại tài sản của mình bằng cách thực hiện thủ tục khởi kiện đòi lại quyền sử dụng đất.
Cần chứng minh được bên phía nhận giữ bất động sản đã có hành vi vi phạm hợp đồng mà hai bên đã kí, khi bạn yêu cầu lấy lại nhà đất nhưng bên kia không thực hiện.
Khi đòi lại đất cho ở nhờ bằng cách gửi đơn lên UBND cấp xã để yêu cầu được giải quyết mà không giải quyết được thì bạn có thể gửi đơn khởi kiện ra Tòa án để đòi lại quyền lợi của mình theo quy định của Luật đất đai 2013.
Thủ tục đòi lại tài sản
Trước hết, để đòi lại tài sản thì các bên cần ngồi lại thỏa thuận thương lượng với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được thì một trong các bên có quyền gửi yêu cầu đến Tòa án để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của mình. Tòa sẽ giải quyết dựa trên sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và các hành vi vi phạm trên thực tế.
Trình tự thủ tục khi muốn khởi kiện để đòi lại tài sản như sau:
- Xác định thẩm quyền của tòa án:
- Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án cấp Huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc để khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết;
- Nếu đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản tranh chấp ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan ở nước ngoài thì đương sự phải yêu cầu Tòa án cấp Tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc để khởi kiện.
- Nộp đơn khởi kiện. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng;
- Hợp đồng gửi giữ giữa các bên;
- Giấy tờ tùy thân của các bên;
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm.
- Nộp tiền tạm ứng án phí;
- Tòa án xem xét để nhận đơn và thụ lý.
Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi về cách thức đòi lại tài sản nhờ gửi giữ. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì còn chưa rõ ràng hoặc bạn đọc có bất cứ sự vướng ngại và thắc mắc nào, xin vui lòng gọi ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline để được tư vấn. Xin cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
Bài viết nói về: Tư vấn thủ tục đòi lại tài sản nhờ gửi giữ
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Vũ Viết Năng
April 04, 2020 at 10:00AM
0 comments
Đăng nhận xét