Quyền kiện ngược lại nguyên đơn được pháp luật công nhận nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho bị đơn. Khi tham gia tố tụng dân sự, ngoài quyền phản đối yêu cầu của nguyên đơn thì bị đơn còn có quyền đưa ra yêu cầu lại đối với nguyên đơn. Để hiểu rõ hơn về yêu cầu phản tố theo luật định, quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Phản tố là gì? Quyền phản tố của bị đơn
Theo ngôn ngữ luật học thì quyền kiện lại có tên gọi là quyền phản tố. Phản tố là quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, là việc bị đơn khởi kiện ngược lại người đã kiện mình được Tòa án xem xét, giải quyết cùng với các yêu cầu của nguyên đơn trong cùng vụ án dân sự.
Yêu cầu phản tố chỉ phát sinh khi nguyên đơn khởi kiện bị đơn và Tòa án thụ lý vụ việc, sau đó bị đơn cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm nên có đơn yêu cầu tòa án giải quyết những vấn đề có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn trong cùng một vụ án dân sự.
Căn cứ theo quy định tại (khoản 4 Điều 72 Bộ luật tố tụng dân sự 2015), bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền và nghĩa vụ tương tự như nguyên đơn.
Các trường hợp yêu cầu phản tố của bị đơn
Căn cứ theo quy định tại (khoản 2 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) và (Điều 12 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP) bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Yêu cầu phản tố của bị đơn không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn (như yêu cầu Tòa án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn)
- Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn và nguyên đơn cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn, do đó bị đơn có yêu cầu Tòa án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.
- Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn và nếu yêu cầu đó được chấp nhận thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn vì không có căn cứ
- Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Thời điểm nộp đơn yêu cầu phản tố
- Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn thì bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn được quy định tại (khoản 1 Điều 200 BLTTDS 2015).
- Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhằm giúp cho việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn của Tòa án được chủ động, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.
Nghĩa vụ đóng án phí của đương sự
- Căn cứ theo (khoản 1 Điều 146 BLTTDS 2015), bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
- Mức án phí đối với vụ án dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000 đồng. Đối với vụ án có giá ngạch thì sẽ được tính dựa trên giá trị phần tài sản theo quy định pháp luật.
- Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.
- Trường hợp bị đơn được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, thì ngày thụ lý vụ án là ngày tòa án nhận được đơn về yêu cầu phản tố của bị đơn cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo.
- Trường hợp bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí, thì ngày thụ lý vụ án là ngày bị nộp cho tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.
Trình tự thủ tục thực hiện
Nội dung đơn phản tố
- Ngày, tháng, năm làm đơn
- Tên đơn (Đơn phản tố)
- Tên Tòa án có thẩm quyền (Tòa án đang giải quyết vụ án)
- Họ tên, nơi cư trú, số điện thoại của người yêu cầu phản tố
- Họ tên, nơi cư trú, số điện thoại của người bị phản tố
- Trình bày nội dung (quyền và lợi ích của người yêu cầu phản tố bị xâm phạm)
- Yêu cầu Tòa án giải quyết
- Tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh cho yêu cầu phản tố là có căn cứ và hợp pháp.
Thành phần hồ sơ
- Đơn yêu cầu phản tố
- Các tài liệu chứng minh tính hợp pháp của yêu cầu phản tố
Trình tự thực hiện
Việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn phải tuân thủ hình thức như khởi kiện một vụ việc dân sự. Căn cứ theo quy định (tại Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện tương tự thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Cụ thể như sau:
Bước 1: Bị đơn nộp đơn yêu cầu phản tố đến Tòa án có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Bước 2: Thẩm phán xem xét đơn yêu cầu phản tố.
Bước 3: Bị đơn bổ sung đơn yêu cầu phản tố hoặc nhận lại đơn (Tòa án không chấp nhận yêu cầu)
Bước 4: Bị đơn thực hiện nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí. Ngày thụ lý vụ án để tính thời hạn chuẩn bị xét xử.
Bước 5: Đưa vụ án ra xét xử.
Khi yêu cầu phản tố của bị đơn không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác được quy định tại (khoản 6 Điều 172 BLTTDS 2015).
Bài viết trên đây là những ý kiến pháp lý liên quan đến quyền kiện lại nguyên đơn của bị đơn. Trường hợp quý bạn đọc đang gặp phải trường hợp tranh chấp mà có yêu cầu kiện lại người khác, xin vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua hotline để nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và kịp thời từ đội ngũ luật sư có uy tín. Xin cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
Bài viết nói về: Bị đơn có quyền kiện ngược lại nguyên đơn không ?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Vũ Viết Năng
April 07, 2020 at 10:00AM
0 comments
Đăng nhận xét