Mẫu đơn thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật

No Comments

Mẫu đơn thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật được sử dụng thống nhất trong hoạt động Tố tụng dân sự để tòa án công nhận thỏa thuận của các vợ chồng về việc ly hôn. Thông qua bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nội dung đơn cũng như thủ tục để giải quyết thuận tình ly hôn.

thoa thuan chia tai san chung khi ly hon
Vợ chồng thỏa thuận với nhau giải quyết thuận tình ly hôn

Thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân gia đình 2014:

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là yêu cầu về Hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 BLTTDS 2015.

Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Tòa án nhân dân cấp Huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con và chia tài sản của các đương sự theo quy định tại khoản 2 Điều 35 BLTTDS 2015.

Căn cứ quy định tại điểm h khoản 2 Điều 39 BLTTDS về việc xác định thẩm quyền tòa án theo lãnh thổ thì: Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;

Như vậy, khi hai bên có thỏa thuận về việc thuận tình xin ly hôn thì các bên có thể làm đơn gửi tòa án giải quyết. Tòa án cấp huyện nơi mà chồng hoặc vợ cư trú là cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công nhận thỏa thuận ly hôn của hai vợ chồng theo quy định của pháp luật.

Mẫu đơn yêu cầu tòa án giải quyết thuận tình ly hôn

Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản là việc dân sự thuộc thẩm quyền của tòa án.

Khi tiến hành thực hiện các thủ tục tố tụng yêu cầu tòa giải quyết thì vợ và chồng phải nạp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn cho Tòa án. Đơn này là biểu mẫu tố tụng được quy định tại mẫu số 01 của Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP.

Đây là biểu mẫu dùng chung cho các thủ tục tố tụng yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự và được sử dụng thống nhất trong toàn bộ hệ thống tòa án khi thụ lý giải quyết yêu cầu của đương sự.

Theo mẫu  số 01 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành có 12 phần cụ thể như sau:

mau don so 01 cua Hoi dong tham phan
Mẫu đơn yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn và chia tài sản
  • Ghi loại việc dân sự mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải Quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự: Trường hợp này là Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
  • Ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc Thuận tình ly hôn; nếu là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ghi rõ tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội);
  • Ghi rõ họ tên chồng và vợ trong đơn yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Vì đây là yêu cầu của 2 người nên sẽ cần đánh số thứ tự:

1 Họ và tên chồng:….

……..

2 Họ và tên vợ:…

……

  • Ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú của vợ và chồng tại thời điểm làm đơn yêu cầu (ví dụ: thôn Bình An, xã Phú Cường, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội);
  • Ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc Thuận tình ly hôn như phần số 2 và trình bày nội dung về cuộc hôn nhân như: Thời điểm kết hôn, quá trình chung sống diễn ra như thế nào, có mâu thuẫn gì, các bên đã thống nhất thỏa thuận và yêu cầu tòa giả quyết thuận tình ly hôn…
  • Ghi cụ thể những nội dung mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải quyết:
  1. Về con chung;
  2. Tài sản chung của vợ chồng;
  3. Nhà ở chung;
  4. Nợ chung của vợ chồng
  • Ghi rõ lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó: Phần này chúng ta thêm lý do, những vấn đề mà hai vợ chồng đã thỏa thuận liên quan đến các vấn đề con chung, tài sản chung… mà đã trình bày, yêu cầu tòa giải quyết ở phía trên
  • Ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của những người mà người yêu cầu nhận thấy có liên quan đến việc giải quyết việc thuận tình ly hôn đó đó.
  • Ghi những thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
  • Ghi rõ tên các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu, là bản sao hay bản chính, theo thứ tự 1, 2, 3,…bao gồm: Bản chính giấy đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân của hai vợ chồng, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của con, các giấy tờ chứng minh tài sản chung, nợ chung…
  • Ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu (ví dụ: Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2018; Hưng Yên, ngày 18 tháng 02 năm 2019).
  • Hai vợ chồng ký và ghi rõ họ tên ở phần Người yêu cầu, nếu không ký có thể Điểm chỉ.

Dựa trên những hướng dẫn nêu trên chúng ta hoàn thành đơn Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và nộp cho tòa án để xem xét giải quyết theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật.

Trình tự, thủ tục giải quyết thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật.

Bước 1: Sau khi hoàn thành đơn, chúng ta gửi đơn tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết. Khi nộp đơn tại Tòa, chúng ta cần phải chuẩn bị những giấy tờ sau:

  • Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính). Nếu không giữ hoặc không còn thì có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn trước đó để cấp bản sao;
  • Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực). Nếu không có thì thực hiện theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác;
  • Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
  • Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
  • Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).

Bước 2: Nộp lệ phí và thụ lý vụ án

Thoa thuan ai la nguoi co quyen nuoi con khi hon nhan tan vo
Thuận tình ly hôn được giải quyết nhanh chóng theo quy định của pháp luật

Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày, Chánh án Tòa án sẽ phân công Thẩm phán giải quyết. Nếu hồ sơ đủ điều kiện, Thẩm phán sẽ ra thông báo về nộp lệ phí và trong vòng 05 ngày, hai vợ chồng phải thực hiện xong.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý, các đương sự sẽ được thông báo về việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

Bước 3: Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày thụ lý. Trong thời gian này, Tòa án sẽ phải tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Khi đó, Thẩm phán sẽ tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, giải thích quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ với con, về trách nhiệm cấp dưỡng…

Bước 4: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn

  • Trong trường hợp hòa giải thành, vợ chồng sẽ đoàn tụ với nhau thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn của hai người.
  • Nếu hòa giải không thành, vợ chồng vẫn muốn ly hôn thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về thủ tục thuận tình ly hôn. Chúng tôi cung cấp Dịch vụ tư vấn luật hôn nhân gia đình, Dịch vụ Luật sư giải quyết ly hôn. Mọi thắc mắc có thể liên hệ hotline để được tư vấn cụ thể và chi tiết. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết./.

Bài viết nói về: Mẫu đơn thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Đỗ Thanh Lâm



April 12, 2020 at 10:00AM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps