Yêu cầu bồi thường trong vụ án hiếp dâm được đặt ra để bảo vệ quyền lợi của người bị hại khi họ có những tổn thất to lớn cần được bù đắp vì bị xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm bởi những hành vi phạm tội. Pháp luật quy định người thực hiện hành vi hiếp dâm ngoài trách nhiệm hình sự thì phải bồi thường các thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị hại. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết phân tích về vấn đề này.
Trách nhiệm của người thực hiện hành vi hiếp dâm
Một người phạm tội hiếp dâm nếu họ là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự mà dùng vũ lực (hay đe dọa dùng vũ lực) hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hay bằng các thủ đoạn khác để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.
Theo quy định pháp luật, người thực hiện hành vi hiếp dâm sẽ phải chịu cả trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.
- Về trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi trên nếu đáp ứng các yếu tố quy định tại Điều 141, Điều 142 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định cua pháp luật;
- Về trách nhiệm dân sự, pháp luật quy định người nào gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì phải chịu trách nhiệm dân sự và phải bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự
Việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong vụ án hiếp dâm được áp dụng theo quy định tại Điều 590, Điều 591 và Điều 592 Bộ luật dân sự 2015.
Trường hợp nhiều người cùng có hành vi phạm tội với một người thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe cũng như danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cho người bị hại, cụ thể như sau:
Về vật chất
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Đối với thiệt hại về sức khỏe, người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, ví dụ:
Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế;
Tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sỹ;
Tiền viện phí;
Tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ;
Các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;
- Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Đối với thiệt hại về tính mạng:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng, ví dụ các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương,…. (Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ…)
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Về tinh thần
Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Căn cứ theo khoản 2 các Điều 590, Điều 591 và Điều 592 Bộ luật dân sự 2015, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người được quy định như sau:
- Không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định đối với trường hợp bị xâm phạm sức khỏe;
- Không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định đối với trường hợp bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín;
- Không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định đối với trường hợp bị xâm phạm tính mạng. Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Theo Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP, các khoản chi phí hợp lý là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với gá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí.
Hướng dẫn soạn đơn yêu cầu bồi thường
Nội dung đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cần thực hiện theo quy định đã được trình bày ở trên và phải đảm bảo các yếu tố sau:
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết (nếu trong giai đoạn điều tra thì gửi cơ quan cảnh sát điều tra, trong giai đoạn truy tố thì gửi viện kiểm sát nhân dân, trong giai đoạn xét xử thì gửi Tòa án giải quyết);
- Thông tin của người kiến nghị và người bị kiến nghị: họ tên, giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú,…
- Nêu thiệt hại thực tế: mức độ tổn hại sức khỏe, các minh chứng về thiệt hại tinh thần, chi phí hợp lý và thu nhập bị mất,….
- Nội dung yêu cầu bồi thường chính như: Chi phí cứu chữa, viện phí; Bù đắp tổn thất về mặt tinh thần; ….
- Ký và ghi rõ họ tên người yêu cầu.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp không bồi thường, bồi thường không thỏa đáng hoặc Tòa đã tuyên phạt nhưng không thực hiện đối với hành vi xâm hại mà họ gây ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại. Lúc này cần viết đơn đề nghị bồi thường thiệt hại gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra hoặc trong trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra không giải quyết thì có thể gửi mẫu đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền:
- Pháp luật quy định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự.
- Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trên đây là bài viết hướng dẫn cách soạn đơn yêu cầu bồi thường trong vụ án hình sự. Nếu quý vị có nhu cầu được tư vấn luật hình sự, xin vui lòng gọi ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
Bài viết nói về: Hướng dẫn soạn đơn yêu cầu bồi thường trong vụ án hiếp dâm
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Hà Ngọc Tuyền
April 22, 2020 at 07:00AM
0 comments
Đăng nhận xét