Mùa dịch Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều đơn vị kinh doanh phải đóng cửa gây ra thiệt hại về tiền bạc, doanh thu. Trong bối cảnh đó, nhiều chủ hộ kinh doanh không có thu nhập, không có khả năng chi trả tiền thuê mặt bằng nên bị chủ nhà lấy lại mặt bằng. Thông qua bài viết này, chúng tôi sẽ tư vấn chp các bạn cách giải quyết bồi thường thiệt hại do lấy lại mặt bằng mùa dịch COVID 19
Mùa dịch Covid 19, người thuê mặt bằng kinh doanh được hỗ trợ gì ?
Mùa dich bệnh Corona đang diễn biến rất khó lường và nguy hiểm. Hiện tại nó đã lan rộng trên toàn thế giới và đã được công bố tình trạng đại dịch. Trước tình hình chung như vậy, Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng đó. Dịch bệnh đã khiến cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ về việc cách ly xã hội, các của hàng phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu, khả năng trang trải chi phí hoạt động của các cơ sở kinh doanh.
Trước tình hình đó, có nhiều chính sách và biện pháp được ban hành để hỗ trợ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh như:
- Tạm hoãn đóng các khoản thuế;
- Hỗ trợ tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội;
- Giảm lãi suất vay vốn ngân hàng;
- Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và nhiều biện pháp hỗ trợ khác đang được khắc phục.
Điều này góp phần hỗ trợ để những chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì hoạt động trong mùa dịch nhiều biến động hiện nay.
Bên cạnh chi phí nguyên vật liệu, nhân công thì trong thời gian đóng cửa thì một phần chi phí rất lớn mà chủ cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp phải gánh vác đó chính là tiền thuê mặt bằng. Cửa hàng phải đóng cửa, không có nguồn thu dẫn đến việc không có đủ chi phí để trang trải mặt tiền thuê mặt bằng.
Trong trường hợp này, để giảm bớt gánh nặng về chi phí, người thuê mặt bằng có quyền yêu cầu người cho thuê giảm tiền thuê mặt bằng do tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong yêu cầu, chúng ta cần nêu ra thực tế khó khăn hiện tại, những thiệt hại của dịch bệnh đối công việc kinh doanh. Đây là tình hình chung, nên cần có sự hỗ trợ, đồng hành của những chủ cho thuê mặt bằng.
Chủ nhà được lấy lại mặt bằng cho thuê trong trường hợp nào ?
Trong nhiều trường hợp, vì không có đủ chi phí để trang trải tiền mặt bằng nên bị chủ nhà lấy lại. Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây rằng trong bối cảnh kho khăn hiện tại, chủ nhà có được lấy lại mặt bằng không.
Những trường hợp bên cho thuê mặt bằng có thể lấy lại mặt bằng cho thuê:
- Bên thuê vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê được quy định trong hợp đồng;
- Bên thuê vi phạm những nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng, bảo quản mặt bằng theo quy định của pháp luật.
- Những quy định khác cho phép bên cho thuê lấy lại mặt bằng mà hai bên thỏa thuận trong hợp đồng.
Như vậy, trong trường hợp bên thuê mặt bằng kinh doanh không trả tiền thuê nhà do dịch bệnh, yêu cầu đóng cửa các dịch vụ kinh doanh của cơ quan nhà nước dẫn đến việc không có doanh thu để trang trải chi phí thuê mặt bằng có thuộc trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán quy định trong hợp đồng thuê mặt bằng?
Theo quy định tại Điều 156 BLDS 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Điều 478 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Bên cho thuê phải bảo đảm quyền sử dụng tài sản ổn định cho bên thuê. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản thuê mà bên thuê không được sử dụng tài sản ổn định thì bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Dịch bệnh Covid 19 và những hệ quả của nó được xem là một sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Qua đó, căn cứ theo quy định tại Điều 351 BLDS 2015: Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự. Như vậy, việc không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán tiền thuê mặt bằng không phải do lỗi của bên thuê nên việc chủ nhà lấy lại mặt bằng là trái quy định của pháp luật.
Hướng dẫn đòi bồi thường khi bị lấy lại mặt bằng do dịch covid 19
Hành vi lấy lại mặt bằng trái pháp luật của chủ nhà có thể gây ảnh hưởng, thiệt hại đến việc sản xuất kinh doanh của bên thuê. Trường hợp này, chúng ta có thể yêu cầu chủ nhà bồi thường thiệt hại, trả lại tiền cọc, tiền phạt cọc hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết.
Những thiệt hại có thể phát sinh do hành vi lấy lại mặt bằng trái pháp luật như:
- Thiệt hại về chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh, chi phí trùng tu, xây dựng;
- Không có mặt bằng khiến công việc sản xuất kinh doanh đình trệ, gây thiệt hại.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 328 BLDS 2015 thì bên cho thuê mặt bằng còn phải trả lại tiền đặt cọc cùng một khoản tiền phạt cọc do vi phạm nghĩa vụ quy định trong hợp đồng.
Cách giải quyết đòi tiền bồi thường
Gửi thông báo yêu cầu chủ nhà bồi thường
Đây là bước đầu tiên để thực hiện công việc đòi tiền bồi thường do lấy lại mặt bằng trái pháp luật trong mùa dịch Corona. Nội dung thông báo trình bày tình hình thực tế, diễn biến của dịch bệnh cùng với những quy định của pháp luật liên quan đến hành vi lấy lại mặt bằng trái luật.
Yêu cầu bên cho thuê phải bồi thường những thiệt hại gây ra cho bên thuê vì hành vi của mình gây ra và những khoản tiền đặt cọc, phạt cọc theo quy định của pháp luật.
Đây được xem là cách giải quyết nhanh chóng, đơn giản dựa trên tinh thần hợp tác, thỏa thuận của các bên.
Khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Trường hợp phương án thỏa thuận của hai bên không đem lại hiệu quả, chúng ta có thể yêu cầu tòa án giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.
Yêu cầu tòa án áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại, hệ quả pháp lý để giải quyêt hành vi lấy lại mặt bằng trái với quy định của pháp luật.
Thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015:
- Nộp đơn khởi kiện
- Tòa án thụ lý giải quyết
- Tòa xét xử sơ thẩm
- Xét xử phúc thẩm nếu có kháng cáo kháng nghị.
Trên đây là những hướng xử lý đòi tiền bồi thường do hành vi lấy lại mặt bằng trong mùa dịch Covid 19. Mọi thắc mắc xin liên hệ hotline để được tư vấn cụ thể và chi tiết.
Có thể bạn quan tâm
Bài viết nói về: Hướng giải quyết yêu cầu bồi thường do lấy lại mặt bằng mùa dịch COVID 19
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng
April 20, 2020 at 10:00AM
0 comments
Đăng nhận xét