Ngày nay tình trạng các công trình trong quá trình xây dựng làm ảnh hưởng, hư hại đến các nhà bên cạnh diễn ra khá phổ biến. Khi các bên không thỏa thuận được các phương án bồi thường trong trường hợp này thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết. Như vậy thủ tục kiện đòi bồi thường do nhà bị hư hại từ công trình xây dựng bên cạnh sẽ được tiến hành như thế nào, xin mời tham khảo qua bài viết dưới đây.
1. Xây dựng công trình gây thiệt hại cho nhà cửa lân cận thì có phải bồi thường không?
- Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao chiếm hữu, người được giao sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
- Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, trường hợp tổ chức thi công xây dựng công trình:
- Vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự);
- Gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác
Thì ngoài việc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại thì tổ chức thi công xây dựng công trình còn bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
2. Các khoản bồi thường thiệt hại được luật quy định
Theo quy định tại Điều 589 BLDS 2015, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Theo đó, thiệt hại phải được bồi thường dựa trên nguyên tắc:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
3. Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết
Tranh chấp bồi thường do nhà bị hư hại từ công trình xây dựng bên cạnh được các định là tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên:
- Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án (khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)
- Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết. Xem thêm về thẩm quyền giải quyết của tòa án
- Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc theo thỏa thuận của đương sự.
4. Hồ sơ khởi kiện bao gồm
Khi tiến hành khởi kiện cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
- Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu;
- Mẫu đơn khởi kiện bồi thường do nhà bị hư hại từ công trường xây dựng liền kề;
- Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện: Đối với các tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp này, tài liệu, chứng cứ kèm theo được xác định có thể là hình ảnh ngôi nhà bị thiệt hại do công trình xây dựng kế bên gây ra, hợp đồng thuê nhà mà bên bị thiệt hại đã phải thuê khi nhà bị hư hại không thể tiếp tục cư trú,…
5. Thủ tục khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại
- Người có nhà bị thiệt hại do công trình xây dựng bên cạnh tiền hành nộp đơn khởi kiện KÈM THEO CÁC TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết thông qua phương thức nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi theo đường dịch vụ bưu chính.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán tiến hành xem xét đơn khởi kiện và ra một trong số các quyết định như yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; thụ lý vụ án; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa có thẩm quyền; trả lại đơn khởi kiện và nêu rõ lý do.
- Sau khi vụ án được thụ lý, Tòa án phải tiến hành quá trình chuẩn bị xét xử trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày thụ lý. Nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn không quá 02 tháng.
- Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu chứng cứ mà các bên đương sự cung cấp hoặc do tự mình thu thập, Thẩm phán sẽ mở phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục luật định.
- Trường hợp không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án, đương sự có thể kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi liên quan đến thủ tục kiện đòi bồi thường do nhà bị hư hại từ công trình xây dựng bên cạnh. Nếu bài viết trên có bất kỳ điểm chưa rõ hoặc gây nhầm lẫn, xin hãy liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được giải đáp và hỗ trợ trực tiếp. Trân trọng!
Bài viết nói về: Thủ tục kiện đòi bồi thường do nhà bị hư hại từ công trình xây dựng bên cạnh
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Vũ Viết Năng
December 30, 2019 at 01:00PM
0 comments
Đăng nhận xét