Thủ tục đăng ký thành lập công ty hợp danh như thế nào?

No Comments

Công ty hợp danh có chế độ chịu trách nhiệm vô hạn nên hiện nay, số lượng loại hình công ty này có rất ít. Tuy nhiên, song hành với việc đó, ưu điểm của loại hình công ty này đó là không mang bản chất đối vốn. Đây chính là điểm khác biệt đáng để các nhà kinh doanh mạo hiểm đầu tư. Như vậy, để thành lập công ty hợp danh, người kinh doanh cần phải thực hiện các thủ tục gì? Qua bài viết này, chúng tôi sẽ gửi đến quý khách hàng những hướng dẫn cụ thể về thủ tục thành lập kể trên.

Dang ky thanh lap cong ty hop danh theo quy dinh phap luat
Công ty hợp danh là một trong năm loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay

1.      Điều kiện để được xem là công ty hợp danh

Theo khoản 1 Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện sau thì mới được xem là công ty hợp danh:

  • Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
  • Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
  • Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

2.      Những đặc điểm nổi bật so với các loại hình doanh nghiệp khác

Những điểm đáng chú ý cần được nhắc đến đó là:

  • MANG BẢN CHẤT ĐỐI NHÂN, với yếu tố nhân thân luôn được xem xét kỹ lưỡng;
  • Các thành viên hợp danh trong công ty chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ dựa trên tài sản của mình;
  • Các thành viên góp vốn trong công ty chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các nghĩa vụ dựa trên tài sản góp của mình;
  • Tên gọi công ty phải thể hiện rõ mối quan hệ đối với nhân thân của các thành viên.
Diem vuot troi cua cong ty hop danh so voi cac loai hinh doanh nghiep khac
Độ tin cậy về nhân thân của các thành viên đã tạo nên sự khác biệt cho công ty hợp danh

3.      Điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam

Căn cứ theo Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 thì tổ chức, cá nhân có quyền thành lập mới và quản lý Công ty hợp danh tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

4.      Thủ tục thành lập công ty hợp danh

Cần chuẩn bị những hồ sơ cần thiết nào ?

Ho so can chuan bi khi dang ky thanh lap cong ty
Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ sẽ giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư

Những hồ sơ mà người tiến hành thủ tục đăng ký cần phải chuẩn bị là:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty (có họ, tên và chữ ký của các thành viên hợp danh);
  • Danh sách thành viên;
  • Bản sao một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân;
  • Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trình tự thực hiện việc nộp hồ sơ và nhận kết quả

Trình tự thực hiện việc nộp hồ sơ được thực hiện như sau:

  1. Người đại diện theo pháp luật kê khai thông tin, tải văn bản điện tử của các giấy tờ chứng thực cá nhân tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh.
  2. Người đại diện theo pháp luật sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
  3. Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người thành lập doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
  4. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, chuyên viên sẽ gửi hướng dẫn để người nộp hồ sơ bổ sung hồ sơ đầy đủ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ban hành thông báo và yêu cầu người nộp hồ sơ tiến hành nộp lại hồ sơ bản gốc.
  5. Người nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh, nộp hồ sơ bản gốc và nhận kết quả.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “Thủ tục thành lập Công ty hợp danh như thế nào?”. Trường hợp quý bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật miễn phí, xin vui lòng gọi ngay đến Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ kịp thời.

Bài viết nói về: Thủ tục đăng ký thành lập công ty hợp danh như thế nào?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng



December 27, 2019 at 07:00AM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps