Những tình tiết nào bị coi là làm nặng tội trong vụ án hình sự?

No Comments

Trong một vụ án hình sự, nếu có nhiều tình tiết tăng nặng sẽ khiến tội phạm chịu hình phạt nặng hơn so với mức thông thường. Như vậy thế nào là các tình tiết nặng? Trong phạm vi bài viết chúng tôi sẽ làm rõ.

Quy dinh cua phap luat hinh su ve tinh tiet tang nang
Các tình tiết tăng nặng trong vụ án hình sự hiện nay được quy định trong Bộ luật Hình sự

1.   Thế nào là tình tiết tăng nặng?

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những sự việc, chi tiết, quá trình diễn biến ảnh hưởng theo hướng làm TĂNG LÊN MỨC ĐỘ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ của trường hợp phạm tội cụ thể so với trường hợp bình thường.

Căn cứ vào thái độ, mức độ, khả năng cải tạo để làm cơ sở tăng nặng hình phạt của người phạm tội.

Nếu một tình tiết xuất hiện trong sự việc hình sự, nhưng mang ý nghĩa định tội, định khung tội danh và không có giá trị trong việc tăng nặng trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thì không được xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

2.   Các tình tiết tăng nặng trong Bộ luật Hình sự

Pháp luật quy định cụ thể các tình tiết tăng nặng trong vụ án hình sự tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

  • Phạm tội có tổ chức;

Phạm tội có tổ chức được xem là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia. Trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.

  • Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là hành vi cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích.

Trong trường hợp này, người phạm tội lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

Là tội phạm xảy ra là do người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi phạm tội có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn mà họ đang nắm giữ.

  • Phạm tội có tính chất côn đồ;

Đây là hành vi phạm tội chủ yếu mang ý gây sự, hành hung, có những hành động ngang ngược, ngông cuồng, thô bạo

  • Phạm tội vì động cơ đê hèn;
Phai xem xet tung vu viec cu the de xac dinh the nao la dong co de hen
Thực hiện hành vi phạm tội với động cơ đê hèn

Đây là trường hợp tương đối đặc biệt vì cho đến hiện nay, ta vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể về hành vi này. Việc xác định chủ yếu dựa vào các trường hợp thực tế (Giết vợ/chồng để tự do lấy người khác, Giết thai phụ để trốn trách trách nhiệm,…).

  • Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;

Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, là trường hợp người phạm tội quyết tâm thực hiện ý định phạm tội của mình đến cùng, cho dù gặp cản trở hay có sự can ngăn trong quá trình thực hiện tội phạm. Vậy nên khi xem xét trường hợp này, ta không căn cứ vào việc người phạm tội có đạt được mục đích phạm tội hay không.

  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

Người phạm tội có hành vi tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm được quy định tại Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

  • Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
  • Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
Loi dung hoan canh chien tranh, hoan canh kho khan khach quan khac de pham toi
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh để phạm tội

Trong trường hợp này, người phạm tội đã thật sự lợi dụng hoàn cảnh có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong đời sống xã hội, thiên tai, những khó khăn do dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để thực hiện tội phạm. Việc thực hiện tội phạm do lợi dụng hoàn cảnh trên có thể được diễn ra thuận lợi hơn, khó bị phát hiện hoặc có thể đạt được mục đích lớn hơn.

  • Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;

Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội là việc người phạm tội dùng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (sử dụng các mánh khóe, phương thức gian xảo, thâm hiểm để đánh lừa người bị hại, mà người bị hại trong trường hợp này rất khó để cảnh giác, đề phòng) hoặc tàn ác (sử dụng cách thức phạm tội độc ác, tàn nhẫn, gây tác hại cho một hay nhiều người bị hại mà không một chút do dự, thương xót như: chặt xác, phanh thây, ném lựu đạn vào đám đông,…).

  • Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;

Đây là thủ đoạn mà chủ thể phạm tội bằng hành vi có khả năng gây nguy hại cho nhiều người. Đối với trường hợp này, hành vi phạm tội chưa cần thực sự xảy ra.

  • Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;

Đây là hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người chưa đủ 18 tuổi thực hiện tội phạm. Trong trường hợp này, người xúi giục có thể phạm tội riêng lẻ hoặc phạm tội có tổ chức. Mức tăng nặng của tình tiết này phụ thuộc vào số người bị xúi giục và độ tuổi bị xúi giục.

  • Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

Đây là hành vi người phạm tội sử dụng các hành vi xảo quyệt (sử dụng các mánh khóe, phương thức gian xảo, thâm hiểm, khó nhận ra để đề phòng) hoặc hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm, cản trở hoạt động của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi này làm cho tội phạm khó bị phát hiện hoặc có nguy cơ khó phát hiện.

Lưu ý: Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

3.   Vụ án vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ

Trong trường hợp người phạm tội vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, ta đánh giá mức độ tương đương của các tình tiết này để quyết định mức án tương ứng. Cụ thể:

  • Lượng tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ tương đương nhau hoặc xét tính chất của tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ tương đương nhau, có thể triệt tiêu nhau thì tiến hành xử phạt người phạm tội theo mức án tuyên trong trường hợp thông thường.
  • Lượng tình tiết tăng nặng nhiều hơn tình tiết giảm nhẹ hoặc xét tính chất của tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thấy có cơ sở để tăng nặng trách nhiệm hình sự thì tiến hành xử phạt người phạm tội theo mức án tuyên trong trường hợp đã tăng nặng trách nhiệm hình sự.
  • Lượng tình tiết tăng nặng ít hơn tình tiết giảm nhẹ hoặc xét tính chất của tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thấy có cơ sở để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì tiến hành xử phạt người phạm tội theo mức án tuyên trong trường hợp đã giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Phai xu ly the nao khi vu an co dong thoi tinh tiet tang nang va tinh tiet giam nhe
Vụ án có đồng thời tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ

Lưu ý:

Trên thực tế, không có văn bản quy định cụ thể về hướng giải quyết trong trường hợp này. Vậy nên, cơ sở để xác định sự tương đương về tính chất giữa các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không rõ ràng, chủ yếu dựa vào sự xem xét của Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án.

4. Ý nghĩa của tình tiết tăng nặng trong việc quyết định mức án phạt của người phạm tội

Về bản chất, tình tiết tăng nặng TNHS là những biểu hiện về các điều kiện, hoàn cảnh, tình huống có ảnh hưởng đến việc thực hiện tội phạm, qua đó phản ánh mức độ nguy hiểm lớn hơn của hành vi phạm tội và là cơ sở để người phạm tội có thể chịu TNHS ở mức cao hơn.

Vai trò của tình tiết tăng nặng trong việc quyết định mức án phạt của người phạm tội như sau:

  • Là một trong các căn cứ để Tòa án xem xét khi ra quyết định hình phạt, giúp cho việc quyết định hình phạt phù hợp với tính chất mức độ nguy hiểm của từng tội phạm.
  • Giúp nhìn nhận đúng bản chất tội phạm, khả năng cải tạo, giáo dục tội phạm;
  • Thể hiện tính khách quan, mềm dẻo, linh hoạt trong quá trình giải quyết vụ án, ra quyết định hình phạt, đảm bảo đúng tính chất, mức độ tội phạm gây ra.
  • Tình tiết tăng nặng TNHS được quy định trong BLHS, trong các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hoặc do Toà án cân nhắc, xem xét quyết định trong quá trình xét xử các vụ án cụ thể.
  • Cân nhắc áp dụng chính xác các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong vụ án hình sự chính là nhằm đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về “Những tình tiết bị coi là làm nặng tội trong vụ án hình sự”. Nếu Quý khách còn bất cứ thắc mắc, điểm chưa rõ hoặc cần hỗ trợ trong quá trình tố tụng, hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật Long Phan PMT để được tư vấn, giúp đỡ kịp thời và hiệu quả. Trân trọng!

Bài viết nói về: Những tình tiết nào bị coi là làm nặng tội trong vụ án hình sự?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Hà Ngọc Tuyền



January 01, 2020 at 10:00AM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps