Một doanh nghiệp được hình thành và được pháp luật công nhận thì bắt buộc phải có pháp lý rõ ràng. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được xem như là “giấy khai sinh” ra một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vì nhiều lý do khác nhau mà doanh nghiệp buộc phải hủy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu vậy, thủ tục hủy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải được thực hiện như thế nào ? Qua bài viết này, quý khách hàng sẽ được giải đáp thắc mắc từ câu trả lời trên.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hiện hành Quy định chung về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được hiểu là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, được cơ quan có thẩm quyền cấp cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Theo khoản 12 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp.
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không phải là giấy phép kinh doanh.
Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp 2014 và được ghi trên cơ sở thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gồm:
- Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
- Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
- Vốn điều lệ.
Vì sao phải khởi kiện hủy Giấy mà không phải yêu cầu Sở kế hoạch và đầu tư thu hồi ? Lỗ hổng pháp luật giữa hủy và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Để trả lời cho câu hỏi trên, ta sẽ lấy một ví dụ xuất phát từ tình huống thực tế như sau: A, B, C đều là cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Y. Cổ đông C đã đăng ký mua ảo 20% và được các cổ đông khác ký giấy đồng ý cho nợ, khi công ty kinh doanh có lãi thì sẽ dùng lợi nhuận được chia để thanh toán. Tuy nhiên, sau 01 năm, C vẫn không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.
Nhận thấy hành vi trên đang gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình nên A và B đã lên tiếng phản đối. Nếu như việc C không tiến hành thanh toán kéo dài, Công ty Cổ phần Y sẽ phải đối diện với nhiều thách thức cũng như là rủi ro pháp lý trong tương lai.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề trên phương diện pháp lý là một thử thách khó khăn:
- Bởi lẽ, A và B không thể gửi đơn đề nghị Sở kế hoạch thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được vì hậu quả pháp lý của việc này là Công ty Cổ phần Y sẽ phải giải thể.
- Còn trường hợp đề nghị C bán lại cổ phần thì chắc chắn sẽ bị “hét giá” bởi Công ty đã đi vào hoạt động và sinh lời, nên giá trị cổ phần không thể bán ra giống như giá mua ban đầu.
- Trường hợp các bên thỏa thuận được giá thành công, thì việc chuyển nhượng cũng không thể thực hiện bởi điều kiện tiên quyết của Công ty Cổ phần là phải có ít nhất 03 cổ đông. Vậy nên, khi chuyển nhượng xong, Công ty chỉ còn 02 thành viên là không đúng quy định. Nếu thay đổi loại hình doanh nghiệp thì lại gặp phải rào cản lớn về pháp lý bởi lúc này việc mua bán cổ phần sẽ phải thay đổi theo một hướng khác.
- Trường hợp C muốn bán lại cho một người khác là D để sau đó Công ty Cổ phần vẫn còn 03 cổ đông thì cũng không được. Bởi lẽ, theo khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 thì trong thời hạn 03 năm kể từ thời điểm thành lập, Cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho các cổ đông sáng lập khác.
Vì vậy, chỉ còn một giải pháp để giải quyết vấn đề này đó là:
- Khởi kiện hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Yêu cầu C bán lại toàn bộ cổ phần của mình cho A và B với giá mua ban đầu;
- Yêu cầu Tòa án tuyên cho phép D trở thành cổ đông của Công ty;
- Yêu cầu Sở kế hoạch và đầu tư cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới với nội dung thay đổi tên cổ đông công ty.
Đây là lý do vì sao lại xuất hiện trường hợp Khởi kiện hủy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà không phải là thu hồi.
Chủ thể nào có quyền khởi kiện ?
Khi người khởi kiện có yêu cầu giải quyết tranh chấp dân sự đồng thời có yêu cầu hủy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới thay đổi thì Tòa án có thẩm quyền xem xét hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu văn bản đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án. Như vậy, để thực hiện thủ tục khởi kiện hủy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì các cổ đông bị xâm phạm lợi ích trực tiếp hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc thông qua đại diện có quyền khởi kiện đến Tòa án khởi kiện vụ việc phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại với người bị kiện là người xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong tranh chấp dân sự.
Tòa án nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ án ? Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết đối với những vụ án này
Để việc khởi kiện được gửi đến Tòa án có đúng thẩm quyền giải quyết vụ án, theo văn bản số 212/TANDTC- PC thì Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là quyết định cá biệt. Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
- Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.
- Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Trình tự thực hiện việc khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật Để giải quyết tranh chấp này là cả một quá trình đầy gian nan và khó khăn
Những hồ sơ cần thiết cần phải nộp cho Tòa án:
- Đơn khởi kiện;
- Các tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh lợi ích của mình bị xâm phạm;
- Giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân,…);
- Giấy tờ ủy quyền (nếu có).
Thủ tục khởi kiện hủy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:
Bước 1: Nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
Bước 2: Tòa án sẽ xem xét hồ sơ và ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;
Bước 3: Tòa án ban hành văn bản thụ lý vụ án;
Bước 4: Chuẩn bị xét xử
Vụ án sẽ chuyển sang giai đoạn Chuẩn bị xét xử, các bên tham gia tố tụng sẽ được gặp mặt hòa giải và được quyền cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình.
Bước 5: Đưa vụ án ra xét xử
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, thông thường là 04 đến 06 tháng kể từ thời điểm thụ lý vụ án, Thẩm phán có quyền ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử trong trường hợp nhận thấy tài liệu, chứng cứ các bên cung cấp đã đầy đủ, các bên đã ký vào Biên bản về việc kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo đúng quy định của pháp luật.
Trên đây là bài viết “Thủ tục khởi kiện hủy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thế nào”. Trường hợp quý khách hàng có nhu cầu được tư vấn pháp luật miễn phí, xin vui lòng liên hệ ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ tận tình. Xin cảm ơn.
Bài viết nói về: Thủ tục khởi kiện hủy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thế nào?
Nguồn từ: Luật doanh nghiệp December 04, 2019 at 07:00AM
Tác giả: Phan Mạnh Thăng
/luatlongphan/Tai nguyen/Doanh nghiep
Xem thêm Google Doc Luatlongphan
0 comments
Đăng nhận xét