Tranh chấp thừa kế của cháu ngoại giải quyết như thế nào?

No Comments

Giải quyết tranh chấp thừa kế thường kéo dài và làm xấu đi mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh những người như cha, mẹ, con cái của người đã mất thì cháu ngoại có được hưởng thừa kế của ông bà ngoại không, pháp luật sẽ bảo vệ họ như thế nào khi có tranh chấp về thừa kế xảy ra? Chúng tôi xin hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế của cháu ngoại qua bài tư vấn sau.

chau ngoai co the duoc huong thua ke cua ong ba ngoai
Cháu ngoại được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ hai

1. Có những loại thừa kế nào?

Hiện nay, pháp luật nước ta quy định có hai loại thừa kế: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

1.1 Thừa kế theo di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của một người nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Để một di chúc được công nhận là hợp pháp thì cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
  • Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội;
  • Hình thức của di chúc không trái với quy định của pháp luật;

Theo Điều 644, những đối tượng sau được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Những đối tượng trên sẽ đương nhiên được hưởng 2/3 suất di sản của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật nếu họ không được người để lại di chúc cho hưởng di sản hoặc cho hưởng di sản ít hơn 2/3 suất đó.

1.2 Thừa kế theo pháp luật.

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Những trường hợp áp dụng chia thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 (viết tắt là BLDS 2015):

  • Không có di chúc;
  • Di chúc không hợp pháp, không tuân thủ các điều kiện của một di chúc;
  • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Một trong những căn cứ quan trọng để phân chia di sản của người chết để lại là việc xác định hàng thừa kế. Và theo quy định tại Điều 651, “hàng thừa kế theo pháp luật” được xác định như sau:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế khi mà tất cả những người ở hàng thừa kế trước đó đã chết, không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Cháu ngoại được hưởng di sản thừa kế như thế nào?

chau ngoai duoc huong thua ke theo di chuc
Cháu ngoại có thể được hưởng di sản của ông bà ngoại theo di chúc, theo pháp luật và thừa kế thế vị theo quy định của pháp luật
  1. Hưởng thừa kế theo di chúc: Nếu ông, bà ngoại chết có để lại di chúc và định đoạt một phần di sản cho cháu ngoại thì cháu ngoại vẫn được hưởng di sản.
  2. Hưởng thừa kế theo pháp luật: Cháu ngoại thuộc hàng thừa kế thứ hai của ông, bà ngoại nên nếu không có người thừa kế ở hàng thứ nhất hoặc tất cả các đồng thừa kế ở hàng thứ nhất không có quyền hưởng di sản, từ chối di sản thì cháu ngoại sẽ được hưởng thừa kế.
  3. Hưởng thừa kế thế vị: Khi mẹ cháu là đối tượng được hưởng thừa kế mà lại chết trước hoặc cùng lúc với ông hoặc bà ngoại thì cháu sẽ là người thừa kế thế vị, hưởng phần thừa kế của mẹ mình (Điều 652 BLDS 2015).

3. Thủ tục giải quyết tranh chấp về thừa kế của cháu ngoại

thu tuc giai quyet tranh chap thua ke cua chau ngoai
Phiên Tòa xét xử giải quyết tranh chấp thừa kế của cháu ngoại

Khi cháu là người có quyền lợi bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện việc chia di sản của ông, bà ngoại nhưng các bên không thể tự thỏa thuận, hòa giải được thì có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu giải quyết theo theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Trình tự, thủ tục thực hiện như sau:

  1. Người khởi kiện soạn đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp phải đáp ứng được các quy định của pháp luật về hình thức theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Xem thêm: Mẫu đơn khởi kiện mới nhất.
  2. Người khởi kiện cũng phải thu thập những tài liệu, chứng cứ chứng minh cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm để nộp kèm đơn khởi kiện đến tòa án.
  3. Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện bằng cách nộp trực tiếp tại Tòa, gửi bằng đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến qua thư điện tử đến Tòa án.
  4. Tòa án có trách nhiệm cấp ngay Giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu người khởi kiên nộp đơn trực tiếp tại Tòa án. Trường hợp gửi bằng dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến, Tòa án phải thông báo cho người khởi kiện trong thời hạn luật định.
  5. Tòa án xem xét đơn khởi kiện. Nếu đơn khởi kiện không có đủ những nội dung theo quy định hoặc hình thức không hợp lệ thì Tòa án thông báo cho người khởi kiện về việc sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện.
  6. Tòa án thông báo cho người khởi kiện về việc đóng tạm ứng án phí, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp. Sau khi người khởi kiện đóng tạm ứng án phí và nôp lại biên lai cho Tòa án thì Tòa án thụ lý vụ án. Nếu người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tạm ứng án phí, Tòa án thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện.

Sau khi được thụ lý, vụ án sẽ bước vào giai đoạn chuẩn bị xét xử. thời hạn chuẩn vị xét xử là 04 tháng, có thể được Chánh án Tòa án ra hạn thêm không quá 02 tháng. Trong giai đoạn này, Tòa án thực hiện các công việc nhằm thu thập chứng cứ, mời các bên lên hòa giải.

Hết thời hạn chuẩn bị xét xử, nếu vụ án được đưa ra xét xử thì sẽ được xét xử theo thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án. Xem thêm: Thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án.

Trên đây là toàn bộ những tư vấn của chúng tôi. Nếu quý bạn đọc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Liên hệ qua hotline bên dưới hoặc đến công ty Luật Long Phan (PMT) để được hỗ trợ. Xin cảm ơn

Bài viết nói về: Tranh chấp thừa kế của cháu ngoại giải quyết như thế nào?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng



February 29, 2020 at 10:00AM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps